Hải Dương có đủ các địa hình cơ bản gồm miền núi, trung du và đồng bằng nên rất giàu tiềm năng về đa dạng sinh học.
Một số vùng nước lợ ở Hải Dương có nhiều rươi, cáy, cà ra... Trong ảnh: Vùng khai thác rươi ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà)
Ngày Môi trường thế giới diễn ra hằng năm vào ngày 5.6. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng của Liên hợp quốc nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.
Ngày 11.12.2019, tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (United Nations Environment Programme-UNEP) đã công bố chủ đề "Ngày Môi trường thế giới năm 2020" sẽ tập trung vào đa dạng sinh học.
Hải Dương có đủ các địa hình cơ bản gồm miền núi, trung du và đồng bằng. Vùng rừng núi đất ở Chí Linh, vùng rừng núi đá vôi ở Kinh Môn. Vùng trung du phía nam Chí Linh và Kinh Môn có nhiều núi đồi xen kẽ với sông ngòi. Vùng đồng bằng ở Hải Dương có nhiều sông ngòi, giàu tài nguyên động vật, thực vật. Hải Dương chỉ thiếu vùng ven biển nhưng thay vào đó lại có vùng nước lợ với nhiều rươi, cáy, cà ra, cói... Do đặc điểm trên, Hải Dương là địa phương giàu tiềm năng về đa dạng sinh học.
Vùng rừng núi ở Chí Linh có hệ động vật, thực vật không thua kém rừng quốc gia Cúc Phương. Nhiều năm trước nơi đây từng có nhiều loài như hổ, báo, gấu... nhiều loài chim quý như công, trĩ... Rừng Chí Linh còn rất giàu cây thuốc nam, xưa kia nơi đây đã cung cấp cây thuốc cho vườn thuốc Dược Sơn thời Trần để chữa bệnh cho quân sĩ và người dân. Hiện nay ở đây cũng đang lưu trữ nguồn gen của nhiều cây thuốc quý.
Vùng bán sơn địa ở phường An Lạc (Chí Linh) có tới gần trăm quả đồi. Giữa những quả đồi đó là vùng ruộng nước, sông ngòi và đầm lầy. Vừa qua các nhà khoa học của Khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được địa phương này mời về khảo sát, đánh giá tài nguyên nơi đây. Kết quả, đoàn nghiên cứu đã thu được nhiều mẫu và xuất bản được 2 cuốn gồm "Át lát về động vật" và "Át lát về thực vật", ghi nhận một dấu ấn hiếm có về đa dạng sinh học ở vùng An Lạc. Do đa dạng về môi trường sinh thái nên động vật ở đây, nhất là các loài chim, bò sát và lưỡng cư rất phong phú, trong đó có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Ở đây từng tồn tại một vườn cò của cụ Lềnh Để. Cò vạc quần tụ về đông đúc và sinh con đẻ cái đến mức chỉ thức ăn chúng kiếm về rơi xuống thôi cũng đủ cho gia đình nuôi được đàn vịt hàng chục con. Rất tiếc do tranh chấp nguồn lợi này mà gia đình cụ quyết định bán đi toàn bộ tre của vườn cò, làm cho đàn cò đi mất. Nhờ bộ át lát làm rất kỹ nên An Lạc trong tương lai có thể thiết lập nên khu du lịch sinh thái, vừa bảo vệ tính đa dạng sinh học cao nơi đây, vừa có thể làm nơi cho sinh viên, học sinh về đây trải nghiệm và thực tập.
Vùng ngập nước Ninh Giang-Thanh Miện nằm trên lưu vực sông Luộc. Đây là vùng ngập nước điển hình. Sông, ngòi, ao, hồ nhiều tôm cá. Đặc biệt, vùng phía tây của huyện Thanh Miện liên quan đến vùng sình lầy bãi sậy xưa kia nên hiện nay dưới ruộng sâu còn rất nhiều lươn, chạch tự nhiên. Vì thế chim nước và chim di trú rất phong phú. Đảo cò Chi Lăng Nam là một điểm hội tụ sự đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước này. Mới đây còn phát hiện thêm một vườn cò nữa ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang).
NGUYỄN VĂN KHANG