Lẩn trốn 43 năm sau khi cùng đồng bọn giết 6 người để cướp tài sản, Phan Thanh Việt không ngờ mình lại bị bắt sau ngần ấy thời gian.
Theo luật sư Nguyễn Công Tín - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, trước năm 1986, pháp luật hình sự nước ta không đặt vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi hành vi phạm tội đều được truy cứu, xử lý.
Đối với vụ án giết 6 người, trốn lệnh truy nã 43 năm mới bị bắt, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đủ cơ sở pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự với bị can Phan Thanh Việt.
Luật sư Tín cho biết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Luật Hình sự quy định, khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bên cạnh mục đích đặt ra yêu cầu đối với cơ quan tiến hành tố tụng về việc phải nhanh chóng điều tra, xử lý tội phạm, còn thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam đối với người phạm tội, ở chỗ coi trọng mục đích giáo dục, phòng ngừa chung hơn là trừng trị.
Trước năm 1986, pháp luật hình sự nước ta không đặt ra vấn đề về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tức không áp dụng thời hiệu, mọi hành vi phạm tội phải bị truy cứu, xử lý.
Từ năm 1986 đến nay, nước ta áp dụng và thi hành ba Bộ luật Hình sự. Theo đó, tại Bộ luật Hình sự năm 1985 (điều 45) quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự dài nhất là 15 năm; Bộ luật Hình sự năm 1999 (điều 23) và Bộ luật Hình sự năm 2015 (điều 27) quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự dài nhất là 20 năm.
Nếu áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, thì hành vi phạm tội diễn ra trước năm 1986 có thể được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có lợi nhất theo Bộ luật Hình sự năm 1985 là 15 năm.
Mặc dù vậy, pháp luật hình sự Việt Nam từ khi áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1985 đến nay đều có quy định: Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.
"Tức, thời gian trốn truy nã không được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu được tính lại kể từ khi người phạm tội ra tự thú hoặc bị bắt giữ", luật sư Tín nói.
Trong vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra vào năm 1981 tại tỉnh Nghĩa Bình (năm 1989 tách thành hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định), Phan Thanh Việt đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghĩa Bình phát lệnh truy nã vào ngày 15/4/1981. Đến nay, Phan Thanh Việt bị bắt sau 43 năm trốn truy nã.
"Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phan Thanh Việt vẫn còn. Các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Ngãi đủ cơ sở pháp lý để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phan Thanh Việt theo đúng quy định, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật", luật sư Tín nhận định.
Tháng 4/1981, Phan Thanh Việt (hiện 71 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cùng 4 đồng bọn bàn bạc, lên kế hoạch tìm người muốn vượt biên để đưa đi. Sau khi kết nối được 6 người muốn vượt biên, Việt đưa họ tập kết tại xã Bình Châu. Sau đó, Việt cùng đồng bọn giết cả 6 người để cướp tài sản, rồi lẩn trốn.
43 năm trước, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghĩa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt được 3 người. Tòa án nhân dân tỉnh Nghĩa Bình đưa vụ án ra xét xử, tuyên án tử hình đối với 2 bị cáo và chung thân 1 bị cáo.
Bị can còn lại trong lúc trốn chạy lệnh truy nã đã chống trả quyết liệt và bị bắn chết. Riêng bị can Phan Thanh Việt lẩn trốn lệnh truy nã của Công an tỉnh Nghĩa Bình từ sau khi vụ án xảy ra.
Dù vụ án xảy ra quá lâu nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra vẫn kiên trì xác minh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sự phối hợp của nhiều đơn vị nghiệp vụ, các trinh sát Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã xác định được nơi lẩn trốn của bị can Phan Thanh Việt tại ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau và tiến hành bắt giữ.
Ngay sau khi bị bắt, Phan Thanh Việt đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, kết thúc 43 năm trốn chạy pháp luật.
Theo Tuổi trẻ