Người tiểu đoàn trưởng chỉ huy kíp chiến đấu bắn rơi chiếc B52 bấy giờ là Trung tá Phạm Văn Chắt nhà ở khu 3, phường Bình Hàn (TP Hải Dương).
Ông Phạm Văn Chắt bên phần động cơ chiếc B52 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam
Trong chúng ta, chắc chắn không ít người đã có dịp được thấy phần thân máy bay hiện đang nằm ở hồ Hữu Tiệp (làng hoa Ngọc Hà, TP Hà Nội) và một bộ phận động cơ của nó được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đó là chứng tích của chiếc “siêu pháo đài bay B52” bị bộ đội Tiểu đoàn tên lửa 72, Trung đoàn 285 (Đoàn Nam Triệu) bắn rơi tại chỗ đêm ngày 27-12-1972. Người tiểu đoàn trưởng chỉ huy kíp chiến đấu bắn rơi chiếc B52 bấy giờ là một ông già 75 tuổi, khỏe mạnh, tinh anh. Ông là Trung tá Phạm Văn Chắt nhà ở khu 3, phường Bình Hàn (TP Hải Dương).
Trò chuyện với chúng tôi, hào khí về 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” sống lại trong tâm trí ông vẹn nguyên như chỉ mới xảy ra hôm qua. Tháng 3-1959, anh thanh niên Phạm Văn Chắt nhập ngũ vào Sư đoàn 335 thuộc Quân khu Tây Bắc. Huấn luyện xong đơn vị hành quân sang giúp nước bạn Lào. Chiến trường Cánh đồng Chum là nơi ông và đồng đội của mình đã tham gia những trận đánh ác liệt và cũng tại đây ông Chắt được vinh dự kết nạp Đảng. Sau đó, năm 1962 ông được cấp trên cử đi học sĩ quan chỉ huy kỹ thuật tên lửa phòng không. Tốt nghiệp ra trường, ông được điều về Trung đoàn 285 (Đoàn Nam Triệu) vừa mới được thành lập (12-9-1965) tại núi rừng Yên Thế (Bắc Giang).
Trở lại chuyện hạ gục B52 giữa lòng thủ đô Hà Nội, nhấp ngụm trà ông Chắt giọng sôi nổi: “Ngày 23-12-1972 chúng tôi được lệnh hành quân gấp từ thành phố Hải Phòng về xây dựng trận địa tại thôn Đại Chu, xã Long Châu, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Khi ấy, tiểu đoàn chúng tôi nằm trong đội hình phối thuộc của Sư đoàn phòng không 361 có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Hà Nội. Đến sáng 26-12, tiểu đoàn đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, khí tài đồng bộ tốt, trận địa giả cũng đã triển khai xong, chúng tôi chỉ đạo anh em luyện tập cách đánh B52 theo tài liệu phổ biến của cấp trên”.
Ông Chắt kể tiếp: “Ngay chiều 26-2-1972, địch huy động khoảng 60 máy bay phản lực các loại đánh vào vòng trong, phía trước để dọn đường cho B52 vào rải thảm Hà Nội. Cấp trên chỉ thị Tiểu đoàn 72 đánh tốp F4 khi chúng đang lượn vòng tìm trận địa của ta để cắt bom. Đánh tốp nhỏ, chiếc lẻ cơ động thế này là sở trường của tiểu đoàn nên chúng tôi rất tự tin. Tuy nhiên phương châm chủ động tìm diệt mục tiêu, tiết kiệm đạn để “săn” B52 đã được đơn vị quán triệt kỹ, cán bộ, chiến sĩ tư tưởng thông suốt. Tôi ra lệnh phát sóng. Ngay khi mở máy chiếc “con ma” đã được kíp chiến đấu bám sát, quản lý chặt chẽ. Kiểm tra các tham số đều ổn định tốt. Tôi lệnh cho sĩ quan điều khiển nhấn nút phóng ở cự ly 28km, đồng thời trận địa giả cũng nổ mìn tạo màn khói đánh lừa địch. Tên lửa vút lên, trong giây lát bung khoảng sáng chói lòa trùm mục tiêu. Sau ít phút cấp trên thông báo chiếc F4 đã rơi tại Hòa Bình, có phi công nhảy dù ra... Cùng lúc đó, các đơn vị bạn phối hợp đánh quyết liệt tạo lưới lửa nhiều tầng khiến đám giặc trời bỏ chạy, Hà Nội trở lại bình yên”.
Bước sang ngày 27-12-1972 là ngày thứ 10 của chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”. Đêm ấy, bầu trời Hà Nội xuất hiện 36 chiếc B52, dưới sự hộ tống của 85 máy bay phản lực vào đánh phá. “Cấp trên chỉ thị chúng tôi đón lõng kiên quyết tiêu diệt B52. Tôi cho mở đài 1 và đài 2 đều thu được tín hiệu là một dải nhiễu sáng mịn, ổn định. Với kinh nghiệm 7 năm chiến đấu trên các địa hình ven biển, rừng núi như Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An và mạng tình báo của trên, chúng tôi xác định chính xác đã “bắt” được B52. Để chắc ăn chúng tôi thống nhất đợi nó vào thật gần. Đánh gần sẽ loại trừ được khả năng gây nhiễu và bắn tên lửa không đối đất của đám máy bay hộ tống. Vì lúc này chúng phải dành ưu tiên cho B52 vào trút bom. Khi trắc thủ cự ly và trắc thủ phương vị chuyển hoàn toàn sang chế độ bám sát tự động còn trắc thủ tà bám sát bằng tay. Các tham số ổn định, dải nhiễu vẫn tiếp tục rút ngắn cự li. Tôi hạ lệnh: Phóng! Sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dựng nhấn nút phóng, hai “rồng” lửa xé màn đêm vút lên trùm mục tiêu, lúc ấy là 23h 03 phút ngày 27-12-1972. Xác nó rơi rải rác từ đường Hoàng Hoa Thám đến hồ Hữu Tiệp”- Ông Chắt tự hào cho biết.
Được tin B52 rơi tại chỗ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi kiểm tra đã biểu dương: “Đây là chiến công xuất sắc, đặc biệt…”. Bởi lẽ chúng ta đã đánh đúng B52, trước khi nó cắt bom gây tội ác, rơi ngay trong lòng Hà Nội, bắt giặc lái trên hè phố... Hình ảnh thân xác chiếc B52 ngâm mình trong làn nước hồ Hữu Tiệp năm xưa đã in sâu vào tâm trí của mỗi người Hà Nội và trở thành biểu tượng của chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Ông Chắt nói với chúng tôi về một sự ngẫu nhiên thú vị, đó là Tiểu đoàn 72 ra đời ở núi rừng Yên Thế, bắn B52 rơi một phần xuống đường phố mang tên Hoàng Hoa Thám - người anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
LÊ THÀNH VINH