Giàu từ làm bột sắn dây

27/02/2015 13:25

Từ việc thu mua củ của bà con nông dân làm bột bán, anh Vũ Văn Hiên thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động.



Phơi sấy bột sắn tại gia đình anh Hiên

Từ trước Tết Nguyên đán cho đến tháng 4, xưởng chế biến bột sắn của gia đình anh Vũ Văn Hiên (sinh năm 1972) ở thôn Huề Trì, xã An Phụ (Kinh Môn) luôn tấp nập người đến bán sắn củ và lấy bột. Các loại máy rửa sắn, máy nghiền, máy vắt bột... hoạt động liên tục.

Trước đây anh Hiên thường đi mua sắn dây củ của bà con trong huyện rồi bán cho các đầu mối chế biến bột sắn tại Hải Phòng, TP Hải Dương... Sau này anh tính toán, mình là người của "đất sắn", tại sao không tự chế biến lấy sản phẩm của quê hương? Nghĩ là làm, anh mày mò khắp nơi học cách chế biến bột sắn và mở xưởng thu mua sắn củ của bà con về tự làm. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên chất lượng bột chưa cao. Qua 17 năm làm nghề, đúc rút được kinh nghiệm, đến nay bột sắn của gia đình anh đã có tiếng tăm khắp trong, ngoài tỉnh. Các sản phẩm của gia đình chế biến đến đâu đều được đầu mối các nơi về lấy chuyển đi tiêu thụ đến đó.

Anh Hiên tiết lộ, từ sắn củ để sản xuất ra bột sắn phải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ như: rửa, nghiền, vắt bột, lọc, sấy... Bột sắn có trắng, chất lượng có ngon hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật chế biến, đặc biệt là nguồn nước. Không phải nguồn nước nào cũng có thể chế biến bột sắn. Nước để làm ra bột sắn chất lượng tốt nhất là nước giếng núi đá, không có tạp chất, hóa chất. Mặc dù gia đình có nước máy song anh Hiên vẫn phải dùng nước giếng núi đá, lọc qua cát, sỏi để chế biến bột.

Vì sắn dây có mùa vụ nên gia đình anh Hiên chế biến bột sắn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trung bình mỗi ngày gia đình anh chế biến 5 tạ củ sắn dây tươi (giá 10.000 đồng/kg) được khoảng 1 tạ bột. Với giá bán hiện tại 80.000 đồng/kg bột thành phẩm, mỗi ngày gia đình anh thu lãi khoảng 3 triệu đồng.

Để nâng cao hiệu quả, giảm công lao động, anh Hiên còn tự mày mò thiết kế máy rửa sắn, máy nghiền, máy vắt bột,  máy lọc, sấy... Anh Hiên tâm sự: Qua quá trình sản xuất bột sắn, mỗi công đoạn tôi lại cải tiến, chế tạo ra một loại máy. Chẳng hạn, máy sấy thì đóng 1 thùng sắt, đặt giấy cách nhiệt rồi dùng quạt sấy thổi hơi nóng vào, máy rửa sắn cải tiến từ máy rửa hành... Các sản phẩm máy chế biến bột sắn do anh Hiên chế tạo đã được nhiều người trong huyện hoặc ở tận Bắc Giang, Hà Nội... cũng tìm tới đặt mua. Năm 2014, anh Hiên đã bán được 10 máy chế biến bột sắn với giá mỗi máy từ 4 - 8 triệu đồng.

Từ chế biến bột sắn và chế tạo các loại máy móc chế biến bột sắn dây, mỗi năm gia đình anh Vũ Văn Hiên thu lãi khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động.

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giàu từ làm bột sắn dây