Hầu hết các CSYT vẫn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất của nhân dân sống xung quanh...
Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuy đã được xây dựng nhưng vẫn chưa vận hành
Những năm gần đây, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư các thiết bị xử lý môi trường tiên tiến cho các cơ sở y tế (CSYT) công lập như lò đốt chất thải rắn y tế, hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm quy chuẩn môi trường cho phép. Tuy nhiên, kết quả đợt kiểm tra 21 bệnh viện và Trung tâm Y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện trong tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành cho thấy việc quản lý, khai thác, sử dụng và vận hành hệ thống xử lý môi trường ở hầu hết các CSYT nói trên chưa đúng quy trình công nghệ được chuyển giao. Do đó, các CSYT vẫn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống và sản xuất của nhân dân sống xung quanh.
Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, vấn đề đáng quan tâm nhất trong công tác bảo vệ môi trường của các bệnh viện hiện nay là nước thải nguy hại phát sinh từ các buồng bệnh, phòng thủ thuật, phòng mổ, buồng xử lý dụng cụ và nước thải sinh hoạt của bệnh nhân. Hiện tại, 17 trong tổng số 21 CSYT trên địa bàn tỉnh ta đã xây dựng được hệ thống xử lý nước bề mặt và nước thải phát sinh trong quá trình khám, điều trị bệnh... Tuy nhiên, quá trình xử lý của các bệnh viện chưa bảo đảm các quy định của ngành y tế, tài nguyên và môi trường. Nước thải không xử lý hoặc xử lý không triệt để mang nhiều mầm bệnh, nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu phát tán ra môi trường. Kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Chí Linh cho thấy, nước thải của bệnh viện có 2 thông số vượt tiêu chuẩn cho phép là NH4+-N (vượt 3,04 lần), coliform (vượt 1,5 lần). Nước thải của Bệnh viện Đa khoa huyện Ninh Giang cũng có NH4+-N vượt 5,58 lần, coliform vượt 2,2 lần; Bệnh viện Đa khoa Kinh Môn có NH4+-N vượt 3,2 lần và coliform vượt 1,9 lần; Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang có NH4+-N và coliform vượt từ 1,28 - 3,16 lần... Đa phần nước thải của các bệnh viện khi xả ra môi trường có nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép mặc dù các bệnh viện đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trên địa bàn còn 4 CSYT vẫn chưa xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Nhi Hải Dương, Bệnh viện Phong Chí Linh, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành, hệ thống thu gom nước thải và nước bề mặt đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi ngày hàng trăm m3 nước thải bị thất thoát, tự thấm ra môi trường xung quanh. Bệnh viện đã có 1 hệ thống xử lý nước thải tập trung được Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao cách đây vài năm, nhưng không vận hành được do nước thải không gom về tới hệ thống. Năm 2010, Nhật Bản tài trợ cho bệnh viện hệ thống xử lý nước thải tập trung với công nghệ hiện đại. Hiện tại, bệnh viện đang thực hiện phương án chuyển ra vị trí mới tại khu đô thị mới thị trấn Phú Thái, nhưng do tiến độ thi công chậm nên chưa di dời được. Vì vậy, hệ thống xử lý nước thải do Nhật Bản tài trợ chưa thể lắp đặt, vận hành.
Có lẽ điểm nóng về nước thải y tế hiện nay là tại Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Nhi tỉnh Hải Dương. Mỗi ngày 2 CSYT này phát sinh khoảng 400 m3 nước thải nguy hại. Toàn bộ được xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước của TP Hải Dương. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xây dựng hệ thống thu gom riêng giữa nước bề mặt và nước thải. Trạm xử lý nước thải của bệnh viện cũng đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, công suất thiết kế khoảng 500 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa đưa vào vận hành do thiếu kinh phí thực hiện đấu nối toàn bộ hệ thống. Nước thải của Bệnh viện Nhi Hải Dương khoảng 40 m3/ngày đêm được thu gom xử lý qua các bể phốt, sau đó thoát ra theo hệ thống thoát nước thải của Bệnh viện Đa khoa cũ. Toàn bộ hệ thống thu gom này đã bị xuống cấp, một phần nước thải thoát trực tiếp theo rãnh thoát nước mặt ra hệ thống thoát nước thành phố. Mẫu nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 4 thông số vượt tiêu chuẩn cho phép: số COD vượt 1,9 lần; BOD5 vượt 1,8 lần; NH4+-N vượt 5,98 lần và coliform vượt 3 lần. Nước thải của Bệnh viện Nhi Hải Dương cũng có 4 thông số vượt tiêu chuẩn cho phép: COD vượt 1,8 lần, BOD5 vượt 2,16 lần, NH4+-N vượt 8,37 lần và coliform vượt 8,6 lần. Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hải Dương mới đang được triển khai trên địa bàn huyện Gia Lộc. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi xây xong bệnh viện mới thì toàn bộ lượng nước thải nguy hại hằng ngày vẫn được xả thẳng ra môi trường, là nguồn ô nhiễm, phát tán mầm bệnh ra khu vực xung quanh, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
VỊ THỦYUBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế
Ngày 19-3, UBND tỉnh có công văn yêu cầu tất cả các CSYT trên địa bàn tỉnh phải thực hiện ngay các biện pháp, giải pháp để giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường bảo đảm quy chuẩn môi trường cho phép.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan thực hiện đôn đốc việc triển khai, nghiệm thu, bàn giao các công trình, hệ thống xử lý môi trường tại các CSYT và yêu cầu các CSYT phải quản lý, vận hành xử lý chất thải y tế đúng quy định. Các CSYT chưa thực hiện việc đấu nối vào hệ thống xử lý hoặc chưa có hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện ngay việc đấu nối hoặc có phương án phân lập nước thải nguy hại, thu gom vận chuyển về các cơ sở khác có đủ năng lực để xử lý, không để phát tán mầm bệnh ra xung quanh trong thời gian chờ đầu tư hoàn thành hệ thống xử lý. Đặc biệt, cần giải quyết ngay và triệt để đối với việc xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Nhi Hải Dương.
UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quản lý, vận hành bãi rác tập trung của địa phương có phương án, tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế sau khi đã được xử lý triệt để các thành phần nguy hại. Nghiêm cấm việc các CSYT tự chôn rác thải, đốt rác thải trong khuôn viên.
MINH HOÀNG
|