Trả lời:
Theo điều 98, Bộ luật Lao động 2012, trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động được trả đủ tiền lương.
2. Nếu do lỗi của người lao động, người đó không được trả lương.
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Với quy định tại khoản 3 nói trên, nếu doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc do dịch bệch thì vẫn phải trả tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, nếu dịch bệch diễn biến nguy hiểm, kéo dài mà áp dụng quy định nói trên một cách cứng nhắc, doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí phải đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động (thuộc trường hợp bất khả quy định tại điểm c, khoản 1, điều 38 Bộ luật Lao động).
Do vậy, để cùng chia sẻ, vượt qua khó khăn, hai bên có thể thỏa thuận về việc cho người lao động nghỉ không hưởng lương theo quy định tại tại khoản 3 điều 116 Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, pháp luật khuyến khích trong thời gian người lao động nghỉ không hưởng lương, doanh nghiệp vẫn có thể trợ cấp cho người lao động một khoản nhất định, tùy theo khả năng.
Trường hợp trong thời gian nghỉ việc mà tìm được việc mới, người lao động vẫn phải báo trước cho doanh nghiệp đủ thời hạn theo luật định (khoản 2, 3 điều 37) bởi hợp đồng lao động giữa hai bên đang tồn tại. Nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không báo trước hoặc vi phạm thời hạn báo trước thì vẫn bị coi là vi phạm hợp đồng lao động và phải chịu các chế tài.
Hơn nữa chiều 31.3, để bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Chính phủ thông báo sẽ hỗ trợ 1,8 triệu đồng mỗi tháng với lao động có hợp đồng nhưng phải nghỉ, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương, giảm thu nhập.
Ngoài số tiền trên, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp chi trả thêm tối thiểu 50% lương tối thiểu hằng tháng (tương đương 1,8 triệu đồng) cho người lao động. Doanh nghiệp không đủ nguồn để chi trả thì vay Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu bổ sung nguồn cho Ngân hàng Chính sách xã hội.