Trong mỗi công việc cần có "khoảng trống" để giáo viên có thể bộc lộ năng lực sáng tạo của mình...
Nhớ lại lớp tuổi chúng tôi khi bước vào học cấp II là lúc đất nước mới hòa bình (1954). Lớp 7 là cuối cấp, có 7 môn học thôi và cho điểm 5 là cao nhất. Những thầy giáo bước lên bục giảng chỉ có quyển sách giáo khoa, quyển giáo án và viên phấn. Một số thầy chỉ cầm phấn lên lớp, không sách vở, không giáo án. Vậy mà thầy giảng, thầy viết, vẽ... đâu ra đấy. Chúng tôi cứ há mồm ra nghe quên cả trống giải lao. Chúng tôi thuộc bài và cực kỳ hứng thú với bộ môn của thầy. Thầy trở thành thần tượng của chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu được là các thầy hoàn toàn sáng tạo, không bị lệ thuộc vào cái gì cả.
Đến khi chúng tôi thành người thầy, bắt đầu lên bục giảng vào đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ XX, vẫn còn cái không khí ấy, mặc dù đã hạn chế hơn. Đồ nghề của người thầy bấy giờ vẫn chỉ là quyển sách giáo khoa, viên phấn, thước kẻ, com-pa... Đến những năm bảy mươi mới có thêm một số sách tham khảo, phân phối chương trình, hướng dẫn giảng dạy, hướng dẫn soạn giáo án và một số mô hình, tranh ảnh (gọi chung là giáo cụ trực quan). Nhưng, mọi thứ đều chỉ là gợi ý thực hiện. Chủ yếu vẫn là giáo viên phải bỏ công sức ra soạn bài, tìm phương pháp thích hợp để dạy. Có người soạn nửa ngày chỉ được giáo án dạy một tiết vì còn phải làm bài tập (với môn toán), đọc thêm sách tham khảo... Nhưng soạn xong thì thuộc luôn giáo án và lên lớp rất chủ động. Vậy mà chúng tôi vẫn còn nhiều thời gian. Chúng tôi đi vào nhà học sinh vừa thăm gia đình, vừa bảo ban thêm cho các em. Chúng tôi dạy phụ đạo không có tiền thù lao. Chúng tôi đọc sách. Chúng tôi tự học và ghi chép... Ngoài những quy định tối thiểu như giờ giấc lên lớp, chấm bài, soạn bài, họp hội đồng... chúng tôi hoàn toàn được tự do sáng tạo.
Ở trường học ngày nay, mọi điều kiện so với 50 năm về trước thì đúng là "một trời một vực". Trừ một số rất ít trường ở vùng sâu vùng xa, còn lại thì hầu hết là trường cao tầng, có sân chơi, bãi tập, vườn hoa cây cảnh, có phòng thiết bị dạy học, có thư viện đủ loại sách, có rất nhiều loại máy móc như vi tính, máy in, phô-tô, máy chiếu đa năng... Bộ máy quản lý nhà trường cũng rất đầy đủ: Mỗi trường có 1 hiệu trưởng và từ 1-3 phó hiệu trưởng. Giúp việc còn có văn thư, kế toán, thư viện, cán bộ thiết bị, cán bộ phụ trách y tế... Đặc biệt với giáo viên, để giảng dạy thì có sách giáo khoa, sách tham khảo các loại. Nhiều đến mức không thể đếm hết. Rồi sách hướng dẫn giảng dạy soạn rất tỉ mỉ... Đồ dùng dạy học cũng đã có sẵn ở phòng thiết bị, mượn trước mấy phút là được, có gì phải chuẩn bị, càng không phải làm cho tốn công sức. Mọi loại sổ sách, kế hoạch có mẫu mã sẵn rồi, cứ theo khuôn ấy mà điền vào. Phương pháp giảng dạy đã được phổ biến, cứ thế mà theo.
Tưởng rằng được trang bị như vậy thì giáo viên phải giỏi hơn các thầy lớp trước. Nhưng không ngờ nó lại tạo cho các thầy, cô giáo một tâm lý thụ động, làm theo sự chỉ đạo, làm theo cái đã có sẵn mà mất dần đi tính sáng tạo.
Trong nghề dạy học, giáo án tốt là giáo án của riêng người soạn và chỉ người ấy dạy được, người khác nếu được mượn chỉ để tham khảo chứ không dạy được. Vì đằng sau những chữ trên giấy kia còn bao nhiêu chữ nghĩa không hiện hình mà chỉ người soạn ra nó mới bắt được chứ người khác làm sao biết.
Giáo dục phát triển. Việc quản lý, chỉ đạo theo hướng quy mô hiện đại, bài bản là tất yếu và đúng đắn. Chúng ta không thể theo cái ngày xưa được, nhưng làm thế nào để không mất đi, thậm chí còn kích thích phát triển sự sáng tạo của giáo viên? Đó là câu hỏi toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) phải suy nghĩ.