Có bằng đại học hàng chục năm nhưng rất nhiều giáo viên mầm non hiện vẫn chỉ được hưởng lương trung cấp, cao đẳng. Đó là thực trạng phổ biến hiện nay tại nhiều trường mầm non tại Hải Dương.
Rất nhiều giáo viên mầm non đã có bằng đại học nhưng hiện chỉ nhận lương cao đẳng. Trong ảnh: Giáo viên Trường Mầm non Cẩm Giang (Cẩm Giàng) trông nom trẻ trong giờ ăn bán trú
Về hưu vẫn hưởng lương trung cấp
Năm 1996, cô giáo Nguyễn Thị Thắm bắt đầu làm việc tại Trường Mầm non Cẩm Giang (Cẩm Giàng). Năm 2014, chị tốt nghiệp đại học và được vào biên chế. Tuy nhiên, chị vẫn chỉ được hưởng lương trung cấp mà không được “ăn” lương đại học. Cuối năm 2020, chị được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng IV lên hạng III. Từ ngày 1.2 năm nay, chị mới bắt đầu được hưởng lương cao đẳng. “Gần 30 năm công tác, lương thực lĩnh của tôi sau khi trừ các khoản bảo hiểm, nộp các khoản quỹ khác thì chỉ còn khoảng 4,3-4,4 triệu đồng. Chồng tôi làm nghề tự do. Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng chỉ được khoảng 10 triệu đồng. Chúng tôi chỉ dám sinh một con vì lo không có điều kiện chăm sóc nếu sinh thêm. Gia đình tôi phải rất tiết kiệm mới đủ nuôi mẹ già và con đang học đại học”, chị Thắm chia sẻ.
Mặc dù trình độ chuyên môn thạc sĩ quản lý giáo dục nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa An (Ninh Giang) hiện vẫn hưởng lương theo bậc cao đẳng. “Thấy cũng thiệt thòi vì bản thân học đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ rồi nhưng mới được ăn lương cao đẳng”, chị Hằng nói.
33 cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Nghĩa An đã có bằng đại học nhưng chỉ có hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng đang được hưởng lương theo đúng trình độ được đào tạo, 18 người hưởng lương cao đẳng, còn lại hưởng lương trung cấp. Cô giáo Nguyễn Thị Tươi, giáo viên nhà trường tốt nghiệp đại học từ năm 2012, hiện đã 54 tuổi nhưng vẫn chỉ hưởng lương cao đẳng.
Ở tỉnh ta, giáo viên có bằng đại học, đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn đang hưởng lương cao đẳng, trung cấp không hiếm. Trong quá trình công tác, họ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng đến khi có bằng đại học thì đợi cả chục năm vẫn chưa được hưởng lương theo đúng bằng cấp được đào tạo. “Tôi mới nghỉ hưu được mấy tháng nay. Gắn bó cả đời với nghề, cũng có bằng đại học đàng hoàng mà giờ lương hưu mỗi tháng chỉ được hơn 1,5 triệu đồng. Người có bằng đại học công tác ở ngành khác khi về nghỉ hưu lương gấp mấy lần tôi”, một giáo viên mầm non ở huyện Cẩm Giàng nói với giọng buồn bã.
Cần thường xuyên xét thăng hạng
Lương giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng tại các trường phổ thông được trả theo chức danh nghề nghiệp. Trước đây, giáo viên mầm non hạng IV (tương đương hệ số từ 1,86 đến 4,06), hạng III (từ 2,1 đến 4,98), hạng II (từ 2,34 đến 4,98). Từ ngày 20.3, giáo viên mầm non được hưởng hệ số lương mới theo quy định tại Thông tư số 01 ngày 2.2.2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập”. Hệ số lương mới của giáo viên mầm non sẽ tăng từ 2,1 – 4,89 (hạng III), từ 2,34 – 4,98 (hạng II), từ 4,0 - 6,38 (hạng I). Như vậy, lương của giáo viên mầm non hiện sẽ dao động từ hơn 3,1 triệu đồng đến hơn 9,5 triệu đồng, tăng khoảng 13-28% so với trước.
Cuối năm 2020, khoảng 3.500 giáo viên trong tỉnh đã được xét thăng hạng chuẩn chức danh nghề nghiệp từ hạng IV lên hạng III. Cộng với việc Thông tư số 01 có hiệu lực đã khiến giáo viên mầm non đương nhiên là rất vui. Tuy nhiên, điều họ mong mỏi nhất là tỉnh cần tiếp tục xem xét xét thăng hạng cho họ theo đúng vị trí tương ứng với trình độ được đào tạo. Bởi như hiện nay, mặc dù nhiều giáo viên đã có bằng đại học và đầy đủ các điều kiện khác nhưng vẫn chưa được xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II. “Chúng tôi dành thời gian, công sức, tiền bạc đi học chỉ mong có được mức lương cao hơn. Học đại học xong gần chục năm rồi mà vẫn đang hưởng lương của bậc III tương đương với trình độ cao đẳng thế này thì thực sự thiệt thòi lắm. Tôi nghe thấy bảo từ năm 2022 chúng tôi sẽ bị cắt phụ cấp thâm niên nên việc xét thăng hạng theo chuẩn chức danh càng cần được quan tâm”, một giáo viên ở huyện Ninh Giang nói.
Nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên mầm non đề nghị tỉnh cần thường xuyên rà soát, tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng để bảo đảm công bằng và tránh thiệt thòi. Đã nhiều năm qua, Hải Dương mới tổ chức một đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên vào cuối năm 2020. Nhưng đợt này, tỉnh mới xét thăng hạng cho giáo viên từ hạng IV lên hạng III. Điều này đồng nghĩa, nhiều giáo viên hạng III mặc dù đã có đủ điều kiện nhưng vẫn đành phải ngậm ngùi chờ cơ hội lần sau.
Nhiều giáo viên phản ánh, ở Hải Phòng, việc xét thăng hạng cho giáo viên được thực hiện thường xuyên. Thành phố này giao cho mỗi địa phương cấp huyện thành lập một hội đồng. Các trường chủ động rà soát và báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo những giáo viên đủ điều kiện xét thăng hạng. Địa phương nào thấy số lượng nhiều là tổ chức xét luôn, không cần đợi theo đợt. Điều này bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, giúp họ yên tâm công tác.
BÌNH MINH
Tags: thăng hạng, Hải Dương