Từ sau kỳ nghỉ Tết đến nay, chỉ có giáo viên mầm non là không phải dạy trực tuyến. Nhưng họ chẳng ngồi chơi mà hăng hái, nhiệt tình tham gia cùng toàn dân diệt "giặc" Covid-19.
Chị Nguyễn Thị Xuyến, giáo viên Trường Mầm non Hiến Thành ( Kinh Môn) tham gia làm nhiệm vụ trong khu cách ly y tế tập trung nhiều ngày nay chưa về nhà
Đi vào điểm nóng
Cuối tháng 1, dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp tại TP Chí Linh rồi lan sang thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và nhiều địa phương trong tỉnh. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc thần tốc, quyết liệt.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục nói chung, mầm non nói riêng không ngồi ngoài cuộc. Họ xắn tay tham gia nấu ăn phục vụ lực lượng tuyến đầu và người dân trong khu cách ly tập trung, trực tại các chốt kiểm dịch, tham gia công tác chuẩn bị các điểm cách ly tập trung...
Cô giáo Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1995) Trường Mầm non Hiến Thành (thị xã Kinh Môn) là một người như thế. Chồng đi nước ngoài, con mới lên 3 nhưng khi trường vận động đi làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung, chị Xuyến vẫn xung phong tham gia, để con cho bố mẹ chăm sóc. Hằng ngày từ sáng đến tối, chị miệt mài tham gia tiếp tế đồ dùng từ bên ngoài vào cho người trong khu cách ly, hỗ trợ nhân viên y tế đo thân nhiệt. "Không được về nhà nhớ con lắm anh ạ. Nhiều khi gọi video về nhà thấy con mếu máo khóc đòi mẹ mà em cũng không cầm được nước mắt. Nhưng dịch dã đang phức tạp, em cũng là một "chiến sĩ" nên phải có trách nhiệm với quê hương", chị Xuyến nói.
Thật xúc động khi biết được rằng vì xung phong đi làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung mà không ít giáo viên mầm non ở Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách đã không thể về nhà trong sinh nhật con mình. Người thân ốm đau, họ cũng chỉ biết gọi điện về thăm hỏi, động viên rồi lại lao vào công việc.
Hậu phương vững chắc
Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) tham gia nấu ăn phục vụ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và người dân trong khu cách ly tập trung
Kể từ khi thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) có người mắc SARS-CoV-2, cô giáo Nguyễn Thị Kim Huế, giáo viên Trường Mầm non Lai Cách chưa một ngày nào nghỉ ngơi. Hằng ngày, cứ từ 5 giờ sáng đến 18 giờ tối, chị Huế tham gia nấu ăn phục vụ những người trong khu cách ly. Có giọng đọc tốt, chị còn tranh thủ giúp Đài Truyền thanh thị trấn đọc các bản tin tuyên truyền phòng chống dịch khi cần. Chị cũng không ngần ngại tham gia trực chốt kiểm soát y tế của thôn Nghĩa khi được điều động. "Mình tham gia hỗ trợ phòng chống dịch xuyên Tết đến giờ. Lắm lúc cũng thấy oải lắm nhưng nghĩ về các lực lượng quân đội, công an, nhân viên y tế ở tuyến đầu phải làm việc xuyên đêm nên mình tự nhủ phải cố gắng làm hậu phương vững chắc", chị Huế chia sẻ.
Thấm nhuần lời kêu gọi "mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ" của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19, giáo viên các trường mầm non trong tỉnh đã nhiệt tình, hăng hái tham gia vào các công việc chung. Gần 1 tháng đã qua, hàng nghìn giáo viên ở khắp các địa phương không quản ngày đêm tham gia phục vụ tại các bếp ăn dã chiến, trực tại các chốt kiểm dịch, hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản...
Cô giáo Cao Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thất Hùng (thị xã Kinh Môn) cho biết suốt gần 1 tháng qua, 30 giáo viên của trường hăng hái tham gia vào tất cả các công việc mà địa phương huy động. Ngoài nấu ăn phục vụ người cách ly, trực chốt, giáo viên nhà trường còn hỗ trợ nông dân trong vùng phong tỏa hoặc đang đi cách ly tập trung thu hoạch hành tỏi, su hào, cải bắp, cà chua với số lượng lớn. "Chúng tôi chia ca phân công nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch để chị em có thời gian chăm sóc gia đình. Ấy vậy mà nhiều cô giáo vẫn tình nguyện tham gia từ đầu đến cuối, chẳng nghỉ ngày nào. Tất cả đều cố gắng hết mình với niềm tin vào ngày chiến thắng dịch bệnh đang đến gần", chị Hoa thông tin.
Cô giáo Phạm Thị Nõn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Kỳ (Tứ Kỳ) bảo mấy ngày qua, cán bộ, giáo viên trong trường hăng hái đi tham gia hỗ trợ nông dân địa phương thu hoạch rau màu, gieo cấy lúa cả ngày. Ai cũng thấm mệt nhưng tối về vẫn quay video hướng dẫn cha mẹ học sinh cách chăm sóc, giáo dục con tại nhà, tuyên truyền mọi người chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh...
Không ít giáo viên có chồng là bộ đội, công an, nhân viên y tế đang tham gia vào các lực lượng tuyến đầu chống dịch suốt từ trước Tết đến nay chưa về nhà. Nhưng họ không buồn mà vẫn hằng ngày chăm lo cho gia đình, con cái, gọi động viên chồng giữ gìn sức khỏe, cố gắng, quyết tâm chiến thắng đại dịch để cuộc sống bình yên sớm trở lại với quê hương và nhân dân.
TIẾN MẠNH