Thời điểm này, hàng trăm giáo viên hợp đồng đều có chung một tâm trạng lo lắng, "ruột rối như tơ vò" vì không biết tương lai của mình sẽ đi về đâu.
Nếu thiếu giáo viên mầm non sẽ khó bảo đảm an toàn cho trẻ. Trong ảnh: Lớp 5 tuổi Trường Mầm non Tứ Cường (Thanh Miện)
Lo mất việc
Theo số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 2.709 lao động hợp đồng (LĐHĐ) vượt định mức tỉnh giao. Trong đó, có 1.991 giáo viên ở bậc mầm non và phổ thông.Tỉnh ta có số lượng GVHĐ dôi dư lớn vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, lý do chính là số lượng học sinh tăng nhanh. Năm học 2017 - 2018, các bậc học tăng 606 lớp, với 14.351 học sinh. Do đó phải cần thêm khoảng 1.000 giáo viên và nhân viên để bảo đảm việc dạy học. Trong khi biên chế, định mức giao cho số giáo viên/lớp không tăng theo nên các địa phương, cơ sở giáo dục phải ký thêm LĐHĐ. Hầu hết các cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển LĐHĐ theo định mức của Trung ương giao nên cao hơn so với của tỉnh. Một số địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện không tốt việc tuyển dụng theo định mức của tỉnh giao.
Một ngày cuối tháng 5, đến Trường Mầm non Tứ Cường (Thanh Miện), chúng tôi cảm nhận được tâm trạng lo lắng của các GVHĐ ở đây. Trường hiện có tổng số 57 cán bộ, giáo viên, nhân viên ở 4 điểm trường, với 26 nhóm lớp. Trong đó có 16 LĐHĐ (14 giáo viên, 2 nhân viên). Hiện nay, trường còn thiếu 7 biên chế theo định mức được giao. Do vậy sẽ chỉ có 7 LĐHĐ trong biên chế (6 giáo viên, 1 nhân viên), còn lại đều thuộc diện dôi dư.
Cô giáo Trần Hồng Chinh, giáo viên Trường Mầm non Tứ Cường chia sẻ: "Tôi về trường dạy được 3 năm. Hiện nay, tôi cũng như những GVHĐ khác của trường rất lo lắng không biết tương lai của mình sẽ ra sao. Tôi rất yêu nghề dạy trẻ nên học xong cao đẳng về trường dạy luôn. Để đáp ứng yêu cầu dạy học ngày càng cao, tôi đang theo học đại học. Nếu không còn được đi dạy nữa, tôi thấy rất buồn!".
Huyện Tứ Kỳ hiện có 267 GVHĐ dôi dư. Trong đó Trường Tiểu học Hưng Đạo là một trong những đơn vị có số lượng LĐHĐ dôi dư nhiều nhất với 7 người, gồm 4 giáo viên dạy văn hóa, 1 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên tin học và 1 nhân viên. Các giáo viên, nhân viên này đều đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với nhà trường từ 5 năm trở lên. Hiện nay, sắp đến thời hạn chấm dứt hợp đồng nhưng chưa có chủ trương gì của cấp trên nên nhà trường rất lúng túng chưa biết xử lý đối với các GVHĐ thế nào.
Đối với GVHĐ còn trẻ nếu không đi dạy còn có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm nhưng đối với những người đã có hơn 10 năm đi dạy thì không hề đơn giản. Một giáo viên (xin được giấu tên) đang dạy ở một Trường THCS của huyện Cẩm Giàng bộc bạch: " GVHĐ chịu rất nhiều thiệt thòi. Tôi dạy hợp đồng đến nay đã hơn 16 năm mà thu nhập của tôi hiện chỉ được hơn 4,3 triệu đồng/tháng, không bằng một công nhân bắt đầu đi làm. Năm nay, tôi vừa tròn 40 tuổi, nếu bị chấm dứt hợp đồng tôi không biết làm gì".
Do phòng học chật chội nên Trường Mầm non Tứ Cường (Thanh Miện) rất khó dồn ghép các lớp
Ai được ở lại làm việc?
Để bố trí lại đội ngũ giáo viên hợp lý, thực hiện nghiêm túc theo định mức tỉnh giao và hạn chế việc ký HĐLĐ không phù hợp đối với giáo viên, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở GDĐT, Sở Nội vụ và các ngành liên quan rà soát, sắp xếp số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập.
Các cơ sở giáo dục phải rà soát, sắp xếp số trẻ, học sinh/nhóm, lớp không để tổng số học sinh của nhiều lớp cùng khối (hoặc cùng độ tuổi) ở cùng một điểm trường ít hơn số học sinh tối đa/lớp của cấp học theo quy định. Trường hợp địa bàn rộng có nhiều điểm trường và số học sinh/lớp ở các điểm trường ít hơn 50% số học sinh tối đa theo quy định thì sắp xếp lại cho hợp lý, hiệu quả. Xác định quy mô lớp, học sinh giai đoạn 2018 - 2021 và dự báo cho giai đoạn 2021 - 2025. Rà soát số lượng người làm việc và vị trí việc làm là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, LĐHĐ trong phạm vi số lượng người làm việc được giao năm 2018 với nội dung số lượng, độ tuổi, trình độ chuyên môn được đào tạo, nhiệm vụ được phân công, số giờ đảm nhiệm/tuần. Phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ phải bảo đảm chương trình, kế hoạch giáo dục, căn cứ vào vị trí việc làm, đúng trình độ chuyên môn, ngành được đào tạo phù hợp với vị trí việc làm, năng lực thực hiện nhiệm vụ, căn cứ vào quy định của nhà nước về chế độ làm việc của giáo viên, nhân viên, chế độ thực hiện các công tác kiêm nhiệm trong nhà trường. Đối với đơn vị vẫn còn nhiều việc cần phải ký thêm LĐHĐ sẽ báo cáo UBND tỉnh xin chỉ đạo.
Theo lãnh đạo Sở GDĐT, từ năm học 2018 - 2019, giáo viên được tiếp tục ký LĐHĐ dự kiến theo các tiêu chí ưu tiên sau: có số tiết bình quân/giáo viên/tuần nhiều nhất và vượt định mức tiết dạy/tuần; có thời gian HĐLĐ tại đơn vị hiện nay lâu hơn (ở vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo); đạt danh hiệu thi đua cao hơn; có kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp hằng năm cao hơn; là nữ.
Cô giáo Phạm Thị Hương, giáo viên dạy văn hóa Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết: "Tôi ký hợp đồng làm việc với trường đến nay đã 7 năm. Sau khi về trường, tôi đã lấy chồng ở xã Hưng Đạo và đã có 2 con. Thời gian tới, tôi rất mong được tiếp tục ký hợp đồng lao động để ổn định cuộc sống gia đình".
Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đều cho rằng tỉnh cần điều chỉnh định mức giao phù hợp với tình hình thực tế và có cơ chế hợp lý để ký HĐLĐ đối với giáo viên nhằm bảo đảm điều kiện, chất lượng giáo dục vì nhiều năm nay số lượng học sinh tăng lớn nhưng tỉnh vẫn giữ mức giao từ năm 2015. Trong các bậc học hiện nay thì mầm non gặp khó khăn nhất. Tỉnh hiện giao chỉ tiêu cho bậc này là 1,8 giáo viên/lớp nhưng thực tế yêu cầu ít nhất phải từ 2 giáo viên/lớp trở lên. Vì đặc thù bậc học này chủ yếu là chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, bảo đảm an toàn cho trẻ, nếu giáo viên không đủ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ.
DANH TRUNG