Giáo sư Hà Văn Tấn, nhà sử học uyên bác

30/11/2019 07:42

Có kiến thức sâu rộng về Phật giáo, Nho giáo, thông thạo chữ Hán, Nôm, Anh, Nga, Đức, Pháp..., giáo sư Hà Văn Tấn đã để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Chia sẻ về sự ra đi của giáo sư Hà Văn Tấn, nhiều học trò của ông bày tỏ sự tiếc thương nhà sử học, khảo cổ học uyên bác. Giáo sư Vũ Minh Giang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) kể mới 20 tuổi, chàng trai Hà Văn Tấn đã được giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn lịch sử cổ, trung đại, Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông say mê nghiên cứu và có nhiều đóng góp cho nền sử học.

Cuốn sách nổi tiếng nhất của giáo sư Hà Văn Tấn trong lĩnh vực sử học là Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII (viết chung với Phạm Thị Tâm). Lời mở đầu, tác giả viết những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư về thời nhà Trần ba lần chống quân Nguyên rất đáng quý, nhưng quá ít ỏi. Nếu chỉ dựa vào đấy thì thật khó khăn trong việc khôi phục những trang sử vẻ vang của dân tộc thế kỷ XIII. 

Công trình sử học tiêu biểu của giáo sư Hà Văn Tấn. 

Công trình sử học tiêu biểu của giáo sư Hà Văn Tấn

"Sách viết về thời kỳ lịch sử oai hùng của nước ta mà đến nay chưa ai vượt qua được. Đó là công trình nghiên cứu công phu, đưa ra nhiều nhận thức khoa học mới về thời nhà Trần", giáo sư Giang nói. 

Theo ông Giang, thế kỷ XIII, quân Mông Nguyên xâm lược nhiều nước nên ba lần kháng chiến của quân dân Đại Việt được nhiều sử gia thế giới ghi lại. Giáo sư Hà Văn Tấn đã nghiên cứu, tập hợp tư liệu trong và ngoài nước để tái hiện các trận đánh của quân dân Đại Việt. Ông còn sưu tầm tư liệu từ Ba Tư (nay là Iran), khiến tác phẩm có giá trị khoa học cao, mọi người yêu thích. 

PGS Tống Trung Tín (nguyên Viện trưởng Khảo cổ học) cho rằng để viết được cuốn sách này, hai tác giả đã "huy động khối lượng tư liệu đồ sộ, từ các thư tịch cổ trong và ngoài nước đến nguồn tư liệu khảo cổ học". Nguồn tư liệu này đã được hai tác giả tái hiện sinh động các trận đánh, đưa ra những bài học lịch sử trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước sau này. 

Giáo sư sử học Hà Văn Tấn. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giáo sư sử học Hà Văn Tấn. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo giáo sư Vũ Minh Giang, nhóm "tứ trụ" sử học gồm các ông Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo nền sử học Việt Nam hiện đại. Mỗi người một phong cách, nhưng cả bốn người "Lâm - Lê - Tấn - Vượng" đều uyên bác. Riêng thầy Tấn có kiến thức sâu rộng về Phật giáo, Nho giáo và thông thạo nhiều ngoại ngữ như Hán, Nôm, Anh, Nga, Đức, Pháp... 

Với thế hệ sinh viên thời đó, nếu giáo sư Trần Quốc Vượng luôn mang đến nhiều ý tưởng mới và luôn xuề xòa, có thể trò chuyện với nông dân hay trí thức bất cứ lúc nào, thì giáo sư Hà Văn Tấn lại bác học, gần gũi theo cách khác. Ông sẵn sàng truyền dạy kiến thức cho bất kỳ ai, ở mọi lúc, mọi nơi.

"Chúng tôi vẫn truyền tai nhau khi thầy Tấn đã nói thì khó ai cãi lại được, bởi bất cứ vấn đề nào, thầy cũng nghiên cứu sâu sắc, đưa ra tư liệu đầy đủ, lập luận chặt chẽ, nên kết luận có tính khoa học cao", ông Giang nói và chia sẻ, nhiều học giả nước ngoài đánh giá cao những công trình nghiên cứu của giáo sư Hà Văn Tấn. 

Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu nghe nói ở Đại học Tổng hợp có nhóm "tứ trụ" tuổi trẻ, tài cao, đặc biệt là khả năng tự học, đưa ra nhiều phương pháp nghiên cứu mới. Ông đã đến Khoa Sử để nghe cả bốn người trong nhóm "tứ trụ" thuyết giảng. "Nghe xong, Bộ trưởng nhận xét ngắn gọn: Mỗi người một vẻ nhưng mười phân vẹn mười", ông Giang kể lại.

Giáo sư Hà Văn Tấn (trái) và giáo sư Trần Quốc Vượng. Ảnh tư liệu. 

Giáo sư Hà Văn Tấn (trái) và giáo sư Trần Quốc Vượng. Ảnh tư liệu

Ông Tấn cũng là người đầu tiên trong nhóm "tứ trụ" được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh với công trình nghiên cứu về các nền văn hóa cổ đại Việt Nam. "Công trình đã tái hiện thời tiền sử, sơ sử Việt Nam, đặc biệt là phân lập các giai đoạn phát triển thời đại đồ đồng, tức con đường đi đến xây dựng nhà nước đầu tiên ở Việt Nam", ông Giang cho biết. 

Những năm cuối đời, dù bị đột quỵ phải nằm một chỗ, giáo sư Tấn vẫn quan tâm đến học trò và nghiên cứu khoa học. Nhiều lần vì nói chuyện khó khăn, ông phải "bút đàm" với học trò để trao đổi. 

Ngoài sử học, ông Hà Văn Tấn và ông Trần Quốc Vượng còn khai sinh ra nền khảo cổ học Việt Nam hiện đại. Theo ông Tống Trung Tín, từ năm 1960, ông Tấn đã theo các chuyên gia Liên Xô học về khảo cổ và xây dựng ngành khảo cổ học Việt Nam. Sau những chuyến khảo sát, năm 1961, hai giáo sư Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng đã viết Sơ yếu khảo cổ học nguyên thuỷ Việt Nam - công trình khảo cổ học hiện đại đầu tiên của người Việt Nam. 

"Thầy Tấn đi sâu nghiên cứu sự xuất hiện cộng đồng người nguyên thủy ở Việt Nam đến văn hóa Phùng Nguyên cách đây khoảng 4.000 năm. Thầy cũng có nhiều phát hiện mới về thời Hùng vương dựng nước (thế kỷ thứ VII trước Công nguyên), tái hiện quá trình hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam, khởi nguồn quá trình dựng nước và giữ nước sau này", ông Tín nói.  

Giáo sư sử học Hà Văn Tấn qua đời lúc 21 giờ 2 ngày 27.11, tại Hà Nội, thọ 82 tuổi. Lễ viếng từ 9 giờ 30 ngày 2.12 tại Nhà tang lễ quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), lễ truy diệu và di quan lúc 11 giờ 30 cùng ngày.

Giáo sư Hà Văn Tấn là chủ nhiệm môn phương pháp luận sử học (Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện trưởng Khảo cổ học (1988-2008).

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Giáo sư Hà Văn Tấn, nhà sử học uyên bác