Quốc hội rút ngắn thời lượng thảo luận Luật giáo dục sửa đổi từ 1 ngày xuống 1 buổi, trong khi bảng điện tử hiện 63 đại biểu đăng ký phát biểu.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng vẫn đang thiếu một "ngọn hải đăng" cho nền giáo dục. Ảnh: Quochoi.vn
Điều hành phiên thảo luận sáng nay 15.11, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức các hội nghị đại biểu chuyên trách, thảo luận chuyên đề để tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho dự án luật này trước khi Quốc hội xem xét thông qua giữa năm 2019.
Sản phẩm giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu xã hội
"Không hiếm trường hợp sinh viên ra trường không viết nổi một văn bản, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung nếu tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Nhà trường chưa dành nhiều thời gian đào tạo kỹ năng mềm, người học thiếu tính chủ động, nên sản phẩm giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội", đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận định.
Ông Nhân cho rằng "việc cắp sách đến trường chỉ mới dừng lại ở nghĩa vụ mà chưa phải là một niềm vui, niềm khao khát được hướng dẫn để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại".
"Một trong những mục tiêu của giáo dục là để hội nhập quốc tế, nhưng luật và nghị định không có bất kỳ điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập. Trẻ em Việt Nam được học tiếng Anh từ rất sớm, nhưng rất nhiều trường hợp không thể sử dụng tiếng Anh sau khi tốt nghiệp THPT", đại biểu Bình Dương trăn trở.
Ông Nhân sốt ruột khi "nhìn các bạn trẻ sinh những năm 2000, khi đất nước đã hội nhập, vẫn rất vất vả sử dụng tiếng Anh", và lo lắng mục tiêu hội nhập quốc tế của giáo dục còn nhiều chông gai nếu không chế định tiếng Anh là công cụ bắt buộc trong dạy học như Singapore hay Philippines đã làm.
"Luật thiếu triết lý, chỉ giải quyết sự vụ"
Vẫn theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, "4 trụ cột trong mục tiêu, triết lý giáo dục của dự thảo luật có nhiều điểm hay nhưng toàn bộ các điều khoản sau đó không xoay quanh 4 trụ cột này mà hầu như chỉ tập trung giải quyết các sự vụ, sự việc".
Ông Nhân phân tích: "Để đáp ứng bối cảnh mới, với sự thay đổi chóng mặt của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thì một trong những phương pháp giáo dục phải là khai phóng, hướng đến từng người học, giúp các em chủ động trong nhận thức, độc lập trong tư duy sáng tạo, để có thể tự kết nối, tự kiểm soát và thích ứng với những thay đổi của thế giới hiện nay.
Để đạt được yêu cầu này, sứ mệnh của giáo dục là phá bỏ tư duy, thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức trong dạy và học bấy lâu. Theo đó, những gì là tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại cần phải được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ. Muốn đất nước sánh vai với các cường quốc thì ít nhất phải tạo được nền tảng vững chắc từ đạo luật này".
Trong 7 phút phát biểu, đại biểu tỉnh Bình Dương say sưa trình bày: "Chất liệu chính của một triết lý giáo dục chỉ có thể là sự hướng thiện con người đi cùng với những ưu tư, trăn trở của mình về trách nhiệm trước vận mệnh thịnh suy của đất nước. Một nền giáo dục thiếu triết lý như thiếu ngọn hải đăng dẫn đường. Thiếu triết lý giáo dục cũng đồng thời làm cho đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành của triết lý phát triển".
Cùng trăn trở về triết lý giáo dục, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) dẫn lại lời Bác Hồ - học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đồng bào…, muốn vậy phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.
Ông Thưởng cho rằng đây chính là căn cốt để tìm ra triết lý giáo dục cho Việt Nam.
Đại biểu Phú Thọ không khỏi tâm tư khi bình luận về hiện trạng giáo dục nước nhà: "Người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc non nớt của trẻ, tạo ra gánh nặng, làm cho trẻ con sợ học".
"Không thể bắt trẻ học để trở thành ông nọ bà kia khi các cháu không thích. Trong nhà trường chỉ một vài em thành nhà văn, một vài em thành nghệ sĩ, một vài em làm vận động viên… Hãy định hướng cho các em học để phát huy năng khiếu, sở trường của mình", ông Thưởng nói.
Đại biểu Trần Thị Hiền phát hiện một khiếm khuyết của dự thảo Luật giáo dục sửa đổi là đang "bỏ quên" người khuyết tật.Ảnh: Quochoi.vn
Đừng bỏ quên người khuyết tật
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) nhận xét dự thảo Luật giáo dục sửa đổi "chưa thỏa đáng, chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng và tinh thần Công ước về quyền của người khuyết tật".
"Biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng học, chú ý đến học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật", bà Hiền trích Nghị quyết 29 của trung ương và dẫn chiếu vào những thiếu sót của dự luật: "Các quy định về ngôn ngữ, chữ viết, sách giáo khoa hoàn toàn chưa đề cập gì đến việc bảo đảm tiếp cận giáo dục của người khuyết tật trên khía cạnh ngôn ngữ, chữ viết, sách giáo khoa phù hợp".
Cụ thể là phạm vi sách giáo khoa không đề cập đến sách nói, chữ nổi cho người khiếm thị, khiếm thính; phạm vi ngôn ngữ, chữ viết chỉ gồm tiếng Việt, ngoại ngữ, tiếng nói và chữ viết của dân tộc thiểu số mà chưa đề cập đến ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khuyết tật.
Đại biểu Trần Thị Hiền tha thiết bày tỏ: "Công ước về quyền của người khuyết tật yêu cầu các quốc gia thành viên trong điều kiện kinh tế - xã hội của mình, cần thực hiện những điều chỉnh hợp lý cả về chính sách, pháp luật và các chương trình hỗ trợ để thúc đẩy tiếp cận giáo dục cho người khuyết tật.
Tôi cho rằng việc sửa đổi Luật giáo dục chính là cơ hội quý báu, cơ hội 'vàng' để thực hiện sự điều chỉnh hợp lý về chính sách, thông qua việc tạo thuận lợi cho việc học chữ nổi, chữ viết in thay thế, ngôn ngữ ký hiệu, các phương tiện và hình thức giao tiếp khác".
Bà Hiền khẳng định "chỉ có phát triển mạnh giáo dục hòa nhập, đặc biệt là ở khía cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho đội ngũ giáo viên mới là cách tốt nhất tôn trọng tiềm năng phát triển của trẻ em khuyết tật, đưa các em ra khỏi thế giới nghèo nàn, mặc cảm, tự ti và giảm thiểu định kiến về người khuyết tật trong những thế hệ tương lai".
Theo Tuổi trẻ