Từ lâu, ở các địa phương, tên đường phố thường được đặt theo những sự kiện quan trọng, tên của nhân vật lịch sử, danh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng.
Nhưng để người dân hiểu hơn ý nghĩa của mỗi tên phố, nhiều địa phương đã có những cách làm hay.
Tại Hà Nội, từ năm 2011, trên biển nhiều đường phố khu vực trung tâm đã được bổ sung phần nội dung tóm tắt tiểu sử, công trạng... của các nhân vật lịch sử. Trong biển tên phố Đinh Tiên Hoàng ghi: "Đinh Tiên Hoàng (924 - 979), tức Đinh Bộ Lĩnh, người có công thống nhất đất nước hồi thế kỷ X. Lên ngôi vua năm 968 đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt". Hoặc biển phố Lê Lai ghi: "Lê Lai (năm mất 1419): danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã hy sinh để cứu chủ tướng Lê Lợi"...
Từ tháng 8.2015, việc gắn bảng thuyết minh tên đường cũng được triển khai tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Mô hình này ban đầu do Hội Cựu chiến binh của một khối phố đề xuất và được chính quyền thành phố đồng ý triển khai. Ví dụ tại khối phố 6 ở TP Tam Kỳ có phố Bùi Thị Xuân, bên dưới có thêm biển phụ ghi: "Bà Bùi Thị Xuân (1758 - 1802), xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nữ tướng thời Tây Sơn". Tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), từ năm 2017 cũng áp dụng mô hình đặt tên đường gắn với tiểu sử các nhân vật. Đường Lý Thái Tổ được diễn giải: "Lý Thái Tổ (974 - 1028) tức Lý Công Uẩn, lên ngôi vua năm 1009. Năm 1010 dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long nay là Thủ đô Hà Nội"… Được biết, nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng áp dụng hình thức này để giới thiệu về mảnh đất, con người, sự kiện lịch sử của đất nước đó tới người dân và du khách.
TP Hải Dương hiện có 284 đường, phố, đại lộ, quảng trường. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi thành phố mở rộng địa giới hành chính. Hầu hết đường phố ở TP Hải Dương đã được đặt tên theo những sự kiện quan trọng, tên của nhân vật lịch sử, danh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu có thêm phần tóm tắt tiểu sử nhân vật hoặc thông tin sự kiện vào các biển tên đường, phố, địa điểm công cộng sẽ giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về sự kiện, nhân vật lịch sử. Việc này không khó thực hiện và rất cần thiết, nhất là trong những năm gần đây tình trạng nhiều học sinh không thuộc lịch sử Việt Nam bằng lịch sử Trung Quốc liên tục được nhắc đến. Tại các kỳ thi THPT quốc gia, ở nhiều tỉnh, thành phố có tới trên 90% số thí sinh đạt dưới 5 điểm môn lịch sử. Ngay tại TP Hải Dương, nhiều người không biết tại sao đường phố gia đình mình đang ở lại mang tên này, nhân vật, sự kiện này ra sao? Nếu không có tóm tắt, nhiều người dân sẽ không biết Vương Chiêu, Ngô Bệ, Phạm Xuân Huân, Bạch Năng Thi, Lê Đình Vũ... là ai?
Không chỉ tại TP Hải Dương, ở các đô thị lớn trong tỉnh như Chí Linh, Kinh Môn - những địa phương sắp được nâng cấp lên thành phố, thị xã, hoặc các thị trấn, thị tứ có biển tên đường cũng cần quan tâm đến vấn đề này trong quá trình chỉnh trang đô thị. Ngành văn hóa nên nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền đưa tóm tắt tiểu sử nhân vật, sự kiện vào biển tên đường, tên phố. Đây là việc nên làm để xây dựng văn minh đô thị, tăng cường giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức cho người dân; khơi gợi niềm hứng thú, tích cực tìm hiểu về lịch sử của quê hương, đất nước.
CẨM GIANG (TP Hải Dương)