Sự yếu kém về kỹ năng sống của học sinh hiện nay, nhất là học sinh tiểu học, THCS đều có một phần nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình.
Hầu hết các bậc bố mẹ đều trông chờ vào nhà trường trong việc dạy dỗ con theo tâm lý “trăm sự nhờ thầy cô”... vì thế bố mẹ thường mải mê lao vào công việc mưu sinh, không còn thời gian để trò chuyện với con. Có gia đình làm ăn thành đạt, bố mẹ lại bao bọc quá kỹ lưỡng, nuông chiều thỏa mãn mọi nhu cầu của con, rồi tự cho là đã quan tâm, chăm sóc chúng sao cho thật đầy đủ, tưởng lo được thế là “khôn ngoan”. Có trường hợp bố mẹ quá kỳ vọng về tương lai của con nên buộc con phải đạt được những mục tiêu vượt xa khả năng học tập của chúng. Do đó, một số trẻ tới lớp chỉ mong được phiếu bé ngoan, được điểm cao cho bố mẹ mừng. Từ đây lại tạo cho trẻ mắc thêm căn bệnh lừa dối ngay từ tuổi ấu thơ, mất đi khả năng tự chủ, các em trở nên phụ thuộc, ưa đòi hỏi, ỷ lại.
Bên cạnh những đứa trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cách giáo dục sai lệch của gia đình, còn có nhiều trẻ “cá biệt” vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ngay ở một nhà, có trẻ được người mẹ bênh vực chở che, còn người bố thì thường xuyên quát nạt trách phạt vô cớ. Bố mẹ chưa quan tâm sát sao, chưa theo dõi chuyển biến tâm lý của con trẻ. Trong đó, có trẻ sống với bố mẹ đang sa vào các tệ nạn xã hội, làm ăn buôn bán bất chính, lối sống không lành mạnh gặp phải cảnh bố mẹ ly hôn, ly thân, kinh doanh thua lỗ, mắc phải vòng lao lý... Trong hoàn cảnh như thế, nhiều gia đình không còn ý thức được hết tầm quan trọng về giáo dục con, đành buông xuôi hoặc giáo dục con sai lệch nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống của trẻ. Do hạn chế trong giáo dục kỹ năng sống, một số trẻ vô cảm, tự ti, dễ đánh mất niềm tin. Do thiếu kỹ năng sống, một số trẻ hỗn hào, nhõng nhẽo, ương ngạnh, về lâu về dài sẽ trượt dài trong sự hư hỏng.
Về mặt khách quan, sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường trong giáo dục học sinh cũng không còn chặt chẽ như trước. Biểu hiện rõ nét là các trường chỉ “lo” tổ chức gặp gỡ giáo viên với phụ huynh triển khai phần đóng góp, nộp các loại phí... Trong đó có phụ huynh phải mượn người họp thay, thậm chí không trò chuyện với cô giáo của con, không rõ tình trạng “cá biệt” của trẻ. Còn việc giáo viên đến thăm nhà học sinh lại càng hiếm, tuy một số trường còn duy trì nhưng thiếu nội dung, rơi vào hình thức.
Đứng trước thực tế yêu cầu chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, đòi hỏi mỗi gia đình phải hiểu con em mình thì mới giáo dục được trẻ. Vì vậy đối với các gia đình, điều trước hết cần chủ động gặp giáo viên thông qua các buổi họp định kỳ hoặc đột xuất. Đối với học sinh “cá biệt”, cần tăng cường sự gặp gỡ giữa giáo viên và gia đình để sớm nắm bắt tình hình, tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm ngăn ngừa tiêu cực xảy ra với con trẻ. Từ đó tạo cho trẻ niềm tin, bước vào một quá trình “học ăn học nói, học gói học mở” rồi đến “tiên học lễ, hậu học văn” là gì. Điều cốt yếu là làm sao để có được những bài học thiết thực, gần gũi và sinh động cuốn hút trẻ làm theo. Nhờ đó, sẽ trang bị các kỹ năng sống đơn giản về văn hóa chào hỏi, sắp dọn đồ đạc, tự chăm sóc bản thân... Đối với nhà trường, cần có cơ chế khuyến khích, khen thưởng giáo viên chủ nhiệm “cắm chốt”, giáo dục học sinh “cá biệt”, tận tâm giúp đỡ học sinh nghèo đến lớp. Từ sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục, cần nâng cao xây dựng thành quy trình mang tính “chuyên nghiệp” để nhân rộng trong cộng đồng.
Kỹ năng sống chỉ được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, rèn luyện, thực hành trong cuộc sống hằng ngày ở gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Do đó, cần phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt vai trò của gia đình phải là chủ thể quan trọng giúp cho trẻ có những kỹ năng sống cơ bản, tạo dựng cho trẻ niềm tin bước vào đời.
NGUYỄN HUY THỰC(Chí Linh)