Giáo dục đạo đức cho thanh niên

11/12/2010 04:42

Để giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, cần thực hiện liênkết giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình hạnh phúc thì xã hộilành mạnh, gia đình giữ được “gia phong” thì kỷ cương xã hội càngnghiêm minh.

Thế hệ trẻ ngày nay năng động, thông minh và ham học hỏi. Chắc chúng ta còn nhớ hai thắng lợi liên tiếp của đội tuyển Robocom Việt Nam, hay những tấm huy chương vàng, huy chương bạc từ những cuộc thi Olimpic toán, lý, hóa, sinh..., những cuộc thi đấu thể thao hàng đầu ở các châu lục và trên thế giới. Những bạn trẻ vượt lên số phận, dùng đôi chân để viết nên cuộc đời khi không có đôi tay... Đó là những tấm gương của tuổi trẻ Việt Nam, những con người đã góp sức mình cho đất nước, để tuổi trẻ trôi qua không hoài phí.

Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận thanh niên sống hững hờ, “được chăng hay chớ”...; một số người bị cuốn theo cơn lốc của kinh tế thị trường, chạy theo những giá trị vật chất, hưởng thụ cuộc sống tiện nghi... Con người như một cỗ máy guồng chân chạy theo mưu cầu lợi ích cá nhân, chà đạp lên những giá trị tinh thần cao đẹp của truyền thống cha anh...

Thực tế xã hội Việt Nam đã đưa ra nhiều con số cảnh báo về xu hướng gia tăng các hành vi “lệch chuẩn” của học sinh, sinh viên Việt Nam. Ngoài xã hội có nhiều thanh niên vi phạm pháp luật như: đua xe trái phép, bạo lực học đường, cờ bạc, gian lận trong thi cử...

Các “căn bệnh” của giới trẻ hiện nay có thể khái quát như sau: Tự do cá nhân thái quá; Thích “hơn người”; sống xa hoa, lãng phí và lười lao động; Sống gấp - sống “vội vàng”; Cuộc sống buông xuôi...

Nguyên nhân dẫn đến những “căn bệnh” đó của tuổi trẻ là: Sự buông lỏng trong việc quản lý, giáo dục con cái của gia đình. Sự tác động của xã hội hiện đại; Ảnh hưởng của mục tiêu nghề nghiệp; Do đặc điểm tâm sinh lý - lứa tuổi.

Để giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, theo chúng tôi cần thực hiện liên kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình hạnh phúc thì xã hội lành mạnh, gia đình giữ được “gia phong” thì kỷ cương xã hội càng nghiêm minh. Các thành viên trong gia đình, ông bà, cha mẹ là “tấm gương” cho chính con em mình. Cổ ngữ có câu: “Ở nhà phải thói, ra đường khỏi lo” - nghĩa là một đứa trẻ ngoan, tốt trong gia đình sẽ được “miễn dịch” với thói xấu ngoài xã hội.

Trong nhà trường, bất kỳ một bậc học nào, lớp học nào cũng có môn học liên quan đến giáo dục đạo đức. Trực tiếp như: đạo đức, giáo dục công dân... Cũng trong quá trình học tập đó, các mối quan hệ liên nhân cách giữa học sinh - giáo viên, giữa học sinh - học sinh, học sinh - tập thể học sinh tạo ra môi trường lý tưởng cho học sinh hình thành và phát triển nhân cách, làm các em được thực hành những chuẩn mực về đạo đức đã được học.

Như vậy, dạy học không chỉ có tác dụng cung cấp tri thức cho học sinh mà còn có tác dụng phát triển toàn bộ phẩm chất đạo đức ở học sinh, nhà giáo dục “thông qua dạy chữ để dạy người” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Cùng với việc giáo dục đạo đức, chúng ta cần giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên. Bởi lẽ, pháp luật và đạo đức có mối liên hệ mật thiết với nhau, đều là phương thức nhằm điều chỉnh hành vi con người trong xã hội. Chúng ta cần xem “pháp trị” làm gốc, đóng vai trò quyết định trong việc điều chỉnh hành vi, nhất là trong xã hội hiện đại.

Cùng với việc tăng cường công tác giáo dục trong gia đình, nhà trường, chúng ta còn cần tạo ra môi trường xã hội thuận lợi để phát huy truyền thống về đạo đức của cả dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của mỗi dân tộc chính là làm phong phú thêm các giá trị đạo đức truyền thống trong thời đại mới, là đem sức mạnh truyền thống để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

TRẦN THÔNG

(0) Bình luận
Giáo dục đạo đức cho thanh niên