Giáo dục và bồi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc cho thanh niên phải làviệc làm của toàn dân, của cả gia đình và xã hội, chứ không phải làchuyện của riêng Đoàn thanh niên.
Công việc giáo dục, bỗi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc cho thanh niên là công việc thường xuyên của mọi dân tộc. Nó còn tùy theo điều kiện cụ thể của từng giai đoạn lịch sử xã hội mà việc này được thực hiện, bằng những chính sách, biện pháp khác nhau. Lịch sử đã chỉ ra rằng chỉ cần đứt mạch truyền thống một hai thế hệ là văn hóa dân tộc có nguy cơ tiêu vong. Vì "mất văn hóa là mất tất cả".
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn chú ý quan tâm đến vấn đề này. Phương châm "Dân tộc - khoa học - đại chúng" nêu trong Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng và cô đọng trong chủ trương "Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Đã nhiều năm qua chúng ta chú ý trong giáo dục thanh niên về lý tưởng cộng sản, về trách nhiệm đối với Tổ quốc, về sự phấn đấu để trở thành người con xứng đáng của giai cấp tiên phong. Điều đó là đúng và sẽ rất đúng cho cả tương lai nữa. Nhưng nếu chỉ có thế, thì chúng ta mới có phẩm chất chính trị. Trong khi đó mỗi con người sinh ra và tồn tại đều là một con người trong xã hội nhất định. Thanh niên phải được dạy dỗ chu đáo để trở thành một con người xã hội của xã hội Việt Nam, mang đặc trưng bản sắc văn hóa Việt Nam. Mác đã chỉ ra: "Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội". Chỉ có phẩm chất chính trị và tư cách công dân thì chưa có thể trở thành một "tổng hòa các quan hệ xã hội". Cho nên nếu thanh niên có vụng về, sơ hở, thậm chí có sai sót trong các quan hệ xã hội thì đó là lỗi tại chúng ta. Bởi cha ông ta đã dạy "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Truyền thống văn hóa dân tộc bao gồm những giá trị nhân văn, tiến bộ được kết tinh trong toàn bộ những sáng tạo của một dân tộc. Những giá trị ấy mang bản sắc dân tộc và trở thành chuẩn mực để mỗi người trong cộng đồng hình thành nhân cách và thực thi các hành vi ứng xử với xã hội, gia đình, thiên nhiên, đất nước... Do đó bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ có ở những điều cao cả mang tính lý tưởng, càng không chỉ bó hẹp vào lập trường giai cấp, mà nó lan tỏa thấm đượm vào mọi nẻo của cuộc sống con người và đời sống xã hội. Vì thế giáo dục và bồi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc cho thanh niên không thể dừng ở phẩm chất chính trị, ở tư cách công dân mà còn ở các mặt con người và xã hội, thể hiện ở đạo đức, nếp ăn ở, phong thái cư xử, lời ăn tiếng nói, ở trong mọi quan hệ xã hội.
Giáo dục và bồi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc cho thanh niên phải là việc làm của toàn dân, của cả gia đình và xã hội, chứ không phải là chuyện của riêng Đoàn thanh niên. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải tự vượt qua cái hạn chế của một thói quen giáo dục thanh niên theo kiểu các bài giảng và các phương pháp tuyên truyền vận động chung chung. Rất cần có những mục tiêu, nội dung, bước đi, biện pháp cụ thể, khả thi và thiết thực. Nếu không sẽ chỉ là ý tưởng đẹp đẽ nhưng không bao giờ trở thành hiện thực.
TRẦN KIM HẠNH (Nam Sách)