Trường học “hậu sáp nhập” xã

05/03/2020 09:01

Các trường học sau sáp nhập ở những xã đã sáp nhập năm ngoái đối diện với nhiều khó khăn như có nhiều điểm trường, số lượng phó hiệu trưởng lớn...

Sau sáp nhập, các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ được Trường Mầm non Thanh Quang (Thanh Hà) duy trì tốt

Các địa phương đã và sẽ sáp nhập trường học ở các cấp, bậc học theo đơn vị hành chính cấp xã mới. Để duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục, công tác quản lý, điều hành có vai trò rất quan trọng ở những nơi này.

Nhiều phó hiệu trưởng

Hiện nay, huyện Ninh Giang chưa sáp nhập trường ở những xã mới thành lập. Đây là một trong những địa phương có số xã sáp nhập nhiều nhất tỉnh. Có 2 xã là Ứng Hòe, Tân Quang thành lập trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị. Sau ngày sáp nhập, mỗi cấp, bậc học ở những xã này có từ 2-7 điểm trường. Ở bậc mầm non, xã Ứng Hòe có nhiều điểm trường nhất với 7 điểm, gồm 32 nhóm lớp, hơn 850 trẻ.

Tương tự, xã Thanh Quang (Thanh Hà) được thành lập từ việc sáp nhập các xã Hợp Đức, Trường Thành, Thanh Bính. Do chưa thể dồn về một chỗ nên hiện các trường mầm non, tiểu học, THCS của xã đều có 3 điểm/trường và cách xa nhau.

Ngoài có nhiều điểm trường, các trường sáp nhập theo xã mới còn gặp nhiều khó khăn. Do từ nhiều trường dồn vào làm một nên hầu hết các trường có quy mô lớn, địa hình chia cắt, đi lại không thuận tiện. Sau sáp nhập, đội ngũ cán bộ quản lý vẫn giữ nguyên thì một số trường sẽ có rất nhiều phó hiệu trưởng. Các trường ở huyện Ninh Giang như Trường Mầm non xã Tân Quang sẽ có 8 phó hiệu trưởng, Trường Tiểu học Ứng Hòe 5 phó hiệu trưởng. Số lượng phó hiệu trưởng nhiều đặt ra yêu cầu phải sắp xếp, phân công chuyên môn làm sao để tránh chồng chéo, có hiệu quả.

Việc phân công, hướng dẫn chuyên môn của các tổ, nhóm chuyên môn, bảo đảm ăn bán trú, an toàn cho trẻ, học sinh cũng là thách thức lớn đối với mỗi trường.

Phải phát huy vai trò của người đứng đầu

Sau sáp nhập, Trường THCS Chí Minh (Tứ Kỳ) duy trì ổn định các hoạt động giáo dục

Trước nhiều vấn đề đặt ra, các địa phương, nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn. Đầu tháng 1.2020, huyện Kim Thành sáp nhập trường học của các xã mới gồm Tuấn Việt, Kim Liên, Đồng Cẩm. Để cùng với các trường nhanh chóng ổn định tình hình, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện đã làm việc với từng trường. Phòng hướng dẫn công tác tổ chức, phân công chuyên môn cho cán bộ, giáo viên và giải đáp những vướng mắc. "Các trường có nhiều phó hiệu trưởng, khi phân công phụ trách cần có người chịu trách nhiệm. Các tổ trưởng, phó tổ trưởng chuyên môn là người cứng tay được bố trí đan xen giữa các điểm trường để thuận tiện cho quản lý, phân công chuyên môn, ký giáo án, hỗ trợ giáo viên", ông Phạm Tiến Nhuận, Trưởng Phòng GDĐT huyện cho biết.

Các trường sáp nhập đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo phải có năng lực thật sự để quản lý, điều hành, phân công nhiệm vụ đúng chuyên môn, sở trường cho từng cán bộ, giáo viên, nhân viên mới phát huy hiệu quả. Thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS Chí Minh (Tứ Kỳ) cho biết để trường mới hoạt động ổn định, Ban Giám hiệu sớm rà soát, phân công chuyên môn cho đội ngũ giáo viên ở 2 điểm trường. Những điểm trường thừa, thiếu giáo viên được luân chuyển bù đắp cho nhau. Lãnh đạo cũng chia nhau trực luân phiên ở các điểm trường để nắm bắt toàn diện.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với các trường sáp nhập là xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, giáo viên. Điều này đòi hỏi vai trò rất lớn của người đứng đầu. Cô giáo Phạm Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Quang (Thanh Hà) cho biết: "Sau hơn 2 tháng sáp nhập, chúng tôi thấy lãnh đạo trường ngoài những phẩm chất chính trị, cần gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, có chuyên môn, nghiệp vụ tốt, năng động, sáng tạo, biết lắng nghe ý kiến của tập thể, phát huy vai trò của các đoàn thể để điều hành, quản lý trường. Đồng thời phải phân công công việc cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện kịp thời, khách quan, hiệu quả". 

Do yêu cầu của nhiệm vụ mới, lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của trường còn phải tích cực học hỏi, nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho lãnh đạo huyện chọn những cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu để làm hiệu trưởng trường mới sáp nhập. Nếu hiệu trưởng ở các trường hiện tại chưa đáp ứng được sẽ điều động ở nơi khác về. Huyện sẽ quan tâm đầu tư trang thiết bị và yêu cầu đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của trường khai thác, sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin", ông Phạm Phú Tùng, Trưởng Phòng GDĐT huyện Ninh Giang thông tin.

Theo lãnh đạo của nhiều trường đã và sắp sáp nhập, thời gian tới các cấp, các ngành cần quan tâm hơn đối với loại hình cơ sở giáo dục này. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nơi nào có thể thì tập trung về một điểm trường để công tác quản lý, điều hành thuận lợi hơn. Tích cực bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên...

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Trường học “hậu sáp nhập” xã