Căng thẳng tuyển sinh đầu cấp

03/06/2018 09:06

Năm học 2017-2018 vừa kết thúc nhưng việc tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 đã thực sự bước vào “giai đoạn nóng” bởi số lượng học sinh đầu cấp năm nay đều tăng mạnh.


Số lượng học sinh đầu cấp tăng sẽ gây khó khăn cho các trường trong giảng dạy và chăm sóc các em. Trong ảnh: Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Bình Minh (TP Hải Dương)

Học sinh các cấp học đều tăng

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương, trong năm học 2018-2019 tới đây, toàn thành phố sẽ tăng thêm 46 lớp với hơn 2.300 học sinh ở cả bậc tiểu học và THCS. Trong đó, bậc tiểu học tăng khoảng 30 lớp với hơn 1.330 học sinh; bậc THCS tăng 16 lớp với hơn 1.000 học sinh. Số lớp tăng trong năm học tới tương đương với số lượng lớp của 2 trường hạng I và II.

Cô giáo Nguyễn Thị Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh cho biết: "Theo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của trường thì trường có thể tổ chức việc dạy và học tốt nhất cho khoảng 8 lớp học, với 280 học sinh, tương đương 35 học sinh/lớp. Nhưng theo kế hoạch phát triển giáo dục của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, năm học tới nhà trường sẽ phải tăng thêm 1 lớp học".

Không chỉ Trường Tiểu học Bình Minh mà 10 trường tiểu học khác ở TP Hải Dương phải tăng số lượng lớp 1 mới đáp ứng được nhu cầu. Số học sinh tăng đột biến ở một số trường tiểu học gần khu đô thị mới như Tân Bình, Nguyễn Lương Bằng, Thanh Bình…

Còn bậc THCS ở TP Hải Dương, khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm lại tăng 18 lớp, tương đương với số lớp của một trường hạng II.

Nhiều huyện, thị xã cũng có số lượng học sinh đầu cấp tăng mạnh. Theo dự báo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2018-2019 tới toàn tỉnh sẽ có khoảng 42.300 học sinh bước vào lớp 1, tăng 7.589 học sinh, tăng gấp 2,2 lần so với năm học 2017-2018.

Đến ngày 1.6, Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có số liệu tổng hợp số lượng học sinh đầu vào lớp 6 và chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của các trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đầu vào bậc THCS năm nay cũng là bài toán khó đối với các trường. Những trường thuộc tốp trên là lựa chọn của nhiều phụ huynh dẫn tới một số trường sẽ nhận được nhiều hồ sơ.

Số lượng học sinh thi vào THPT năm nay cũng tăng cao hơn so với nhiều năm trước, báo hiệu đợt thi tuyển vào các trường THPT công lập sẽ căng thẳng. Theo thống kê, năm học này toàn tỉnh có 21.812 thí sinh đăng ký thi tuyển lớp 10 các trường công lập, tăng 2.732 thí sinh so với năm 2017. Trong khi đó, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho các trường THPT công lập năm nay là 15.085 học sinh. Như vậy, tỷ lệ “chọi” bình quân để vào trường THPT công lập là 1,4. Nhiều trường THPT công lập được nhiều thí sinh lựa chọn, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh có hạn nên dẫn tới tỷ lệ “chọi” cao. Tỷ lệ “chọi” để vào Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi là 2,4, cao nhất tỉnh. Tiếp đến là các Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) và Gia Lộc II cùng  2,3. Trường THPT Cẩm Giàng II cũng có tỷ lệ “chọi” lên tới 1,9.

Thiếu giáo viên, phòng học

Một trong những nguyên nhân khiến số lượng học sinh đầu các cấp học đều tăng đột biến do tăng dân số cơ học. Các học sinh vào đầu cấp năm nay sinh năm Quý Mùi (2003), Đinh Hợi (2007) và Nhâm Thìn (2012), được cho là những “tuổi vàng”. Những năm sinh này được quan niệm dân gian cho là năm tốt, nhiều người chọn sinh con. Một nguyên nhân nữa là do sự phát triển mạnh mẽ của các khu dân cư mới, khu đô thị, song mạng lưới trường học công lập lại không phát triển kịp dẫn tới nhiều trường quá tải.

Tình trạng quá tải học sinh kéo theo rất nhiều hệ lụy. Nhu cầu theo học lớn nhưng khả năng tuyển sinh, cơ sở vật chất của các trường có hạn. Hơn nữa, các bậc phụ huynh vẫn thường có tâm lý muốn con được theo học tại trường điểm, trường nhóm trên. Vì thế đã tạo thêm sức ép tuyển sinh cho các trường.

Dù có quá tải thì các trường tiểu học và THCS vẫn phải tuyển sinh theo kế hoạch. Nhưng do phải tăng số lớp dẫn tới các trường thiếu giáo viên và phòng học. Nhiều trường đã phải bỏ các phòng chức năng để có thêm phòng học cho các em. Với các trường nội đô, việc thêm phòng học không hề dễ dàng. Nhiều trường kiến nghị sẽ tăng sĩ số của lớp lên tới 40-45 học sinh/lớp, trong khi quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ được 30-35 học sinh/lớp.

Do nhu cầu của phụ huynh muốn con mình theo học các trường công lập, lớp chất lượng cao nên số lượng đăng ký tuyển sinh vào các trường nhóm trên ở cả THCS và THPT đều khá cao. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường THCS có đông thí sinh đăng ký được phép kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Nói là bài kiểm tra nhưng cả phụ huynh và học sinh đều ngầm hiểu đây là kỳ thi tuyển sinh căng thẳng. Năm trước, các trường THCS chỉ tuyển sinh theo học bạ, nếu học sinh có điểm học bạ ngang nhau thì sẽ dựa vào điểm rèn luyện, chuyên cần… Năm nay, các em phải trải qua bài kiểm tra năng lực ở 2 môn toán, tiếng Việt trong 60 phút. Sau đó, các trường sẽ dựa trên kết quả bài kiểm tra để tuyển sinh. “Nói là cấm thi cử đầu vào lớp 6 nhưng lại cho các cháu làm bài kiểm tra đánh giá năng lực, từ đó làm căn cứ để tuyển sinh thì chẳng khác nào thi. Cả phụ huynh và học sinh đều rất lo lắng”, chị Đỗ Thị Cúc ở phố Tam Giang (TP Hải Dương) có con chuẩn bị vào lớp 6 cho biết.

QUỲNH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng tuyển sinh đầu cấp