Khoa học - Công nghệ

Giành giải nữ sinh khoa học công nghệ với nghiên cứu về blockchain

Theo VnExpress 05/11/2023 12:43

Thử thách mình bằng nghiên cứu về ứng dụng blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng, Quỳnh Nga, 20 tuổi, giành giải Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam.

Hoàng Thị Quỳnh Nga hiện là sinh viên năm thứ ba, ngành hệ thống thông tin quản lý, Trường Đại học Thương mại. Cuối tháng 10, Nga là một trong 20 gương mặt được trao giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam. Đây là giải thưởng do Trung ương Đoàn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trao cho những nữ sinh có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù.

Thành tích nổi bật nhất của Nga trong hồ sơ dự giải thưởng này là bài báo, nghiên cứu khoa học liên quan việc ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng trên sàn thương mại điện tử. Công trình này được đăng trên Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế (SR- ICYREB), giành giải khuyến khích Hội thi Olympic kinh tế lượng và ứng dụng năm 2023.

Hoàng Thị Quỳnh Nga, 20 tuổi, quê Thái Bình, là một trong 20 nữ sinh giành giải Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Thị Quỳnh Nga, 20 tuổi, là một trong 20 nữ sinh giành giải Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam 2023 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nga là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Du, tỉnh Thái Bình. Thời trung học, nữ sinh từng cảm thấy tự ti vì bị ngợp do trong lớp nhiều bạn giỏi.

Bước ngoặt đến với Nga trong năm đầu đại học. Môi trường năng động, lại được giao giữ chức bí thư lớp nên Nga có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với thầy cô, bạn bè và tham gia nhiều hoạt động tập thể.

"Mình như tìm lại được bản thân, mở lòng và vui vẻ hơn. Những điều này trở thành động lực để mình cố gắng học hỏi và trau dồi bản thân", Nga kể.

Với các môn đại cương, Nga thường ghi ý chính của mỗi bài, được giáo viên nhấn mạnh trong lúc giảng. Sau mỗi môn, cô sẽ làm để cương ngay, không để dồn tới lúc gần thi mới học, đồng thời tìm đọc, mua thêm tài liệu để ôn tập.

Nga vượt qua những môn chuyên ngành dễ dàng hơn vì thấy hứng thú với tính ứng dụng của những môn này. Cô cũng có thế mạnh tính toán, tổng hợp và phân tích dữ liệu nên thường đạt điểm cao chuyên ngành. Kết thúc năm nhất, cô thuộc top 4 của lớp, giành học bổng và danh hiệu sinh viên xuất sắc.

Cuối tháng 8/2022 khi mới bước vào năm hai đại học, Nga đăng ký nghiên cứu khoa học. Sau khi được giảng viên gợi ý, cô cùng ba bạn khác chọn đề tài Tăng cường hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng bằng công nghệ blockchain trên sàn thương mại điện tử Shopee.

Theo Nga, đề tài này liên quan ba yếu tố logistics và quản lý chuỗi cung ứng, blockchain và thương mại điện tử. Đây đều là những lĩnh vực đang phát triển mạnh và được quan tâm vài năm trở lại đây. Nga thấy rằng blockchain có thể giúp tăng hiệu quả trong quản lý chuỗi cung ứng, nên nghiên cứu này sẽ có ý nghĩa thực tế với doanh nghiệp, giúp họ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng bảo mật và độ tin cậy cho hợp đồng.

Là trưởng nhóm, Nga giữ vai trò tổ chức, xây dựng và lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Ngoài ra, cô còn chạy dữ liệu, viết khung bài báo cho nghiên cứu. Nga nói đề tài giúp cô vận dụng được kiến thức, phần mềm liên quan phân tích dữ liệu đã học trên lớp, còn blockchain, quản lý chuỗi cung ứng và thương mại điện tử đều là kiến thức mới. Do đó, cả nhóm phải đọc những nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan tới đề tài, xin tài liệu và thường xuyên trao đổi với giảng viên.

Nga (thứ ba từ trái sang) cùng ba thành viên của nhóm nghiên cứu trong cuộc thi của trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, tháng 6/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nga (thứ ba từ trái sang) cùng ba thành viên của nhóm nghiên cứu trong cuộc thi của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, tháng 6/2023 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nga đánh giá phần khó nhất của nghiên cứu là khảo sát doanh nghiệp. Để có dữ liệu nghiên cứu, cả nhóm cần lấy ý kiến nhân sự làm quản lý chuỗi cung ứng nhưng thường không nhận được hồi âm.

"Có người đọc tin nhắn rồi không trả lời, có người nghĩ lừa đảo, không bấm vào link khảo sát trực tuyến, có người lại chất vấn bọn mình", Nga kể, cho biết lượng phản hồi thu được chỉ bằng 20% so với kỳ vọng. Để khắc phục, cả nhóm tận dụng các mối quan hệ quen biết, nhờ hỗ trợ kết nối. Nga nói cách này vất vả và mất thời gian, bù lại tỷ lệ được phản hồi sẽ cao hơn.

Sau hơn nửa năm, Nga và các bạn hoàn thành nghiên cứu, mang dự thi Olympic kinh tế lượng và ứng dụng vào tháng 6/2023. Cuộc thi này do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Học viện tài chính và Viện Toán học cùng tổ chức. Công trình của bốn nữ sinh Thương mại đạt giải khuyến khích, sau đó tiếp tục giành giải nhì cuộc thi Defense Trial của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, và có bài báo trong Hội thảo khoa học quốc tế.

TS Nguyễn Thị Hội, Phó Trưởng Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và Thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại, là giảng viên hướng dẫn nhóm của Nga. Cô Hội cho rằng giá trị của nghiên cứu nằm ở tính cấp thiết, phù hợp với sự phát triển hiện nay của các thành tố được đề cập.

Riêng về Nga, cô đánh giá nữ sinh chỉn chu, chăm chỉ. Nga thường là người đưa ra những ý tưởng mới, nhiều sáng tạo.

"Tôi nghĩ Nga sẽ phù hợp với những công việc đòi hỏi sự chắc chắn, tỉ mỉ như kiểm thử phần mềm, quản trị chất lượng", cô Hội nói.

Nga (bên trái), TS Nguyễn Thị Hội và Hồ Thị Trà My - nữ sinh trường Đại học Thương mại cùng giành giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam 2023. Ảnh: TMU

Nga (bên trái), TS Nguyễn Thị Hội và Hồ Thị Trà My - nữ sinh Trường Đại học Thương mại cùng giành giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam 2023 (Ảnh: TMU)

Nga cho biết đang hướng đến vị trí chuyên viên phân tích kinh doanh (Bussiness Analyst) khi tốt nghiệp. Thành tích trong và ngoài trường giúp Nga nhận về nhiều lời động viên, khích lệ của bạn bè và người thân, cũng giúp cô tự tin hơn.

"Những điều đạt được giúp mình từng bước khẳng định bản thân. Mình đang học thêm tiếng Anh để tăng cơ hội tìm được vị trí tốt khi ra trường", Nga nói.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giành giải nữ sinh khoa học công nghệ với nghiên cứu về blockchain