Khi đưa giống mới vào sản xuất, đối tượng được hưởng lợi chính là nông dân. Nhưng để bà con chấp nhận sản xuất những cây, con giống mới là việc làm không dễ.
Để đưa được giống lúa mới Gia Lộc 102 vào sản xuất tại xã Hùng Sơn (Thanh Miện), cơ quan chuyên môn
và chính quyền địa phương khá vất vả
E ngại
Hằng năm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) thực hiện trên dưới 10 nhiệm vụ khoa học nhằm đưa giống mới vào sản xuất. Những giống mới này đều đã được nghiên cứu kỹ và qua thực tế khảo nghiệm cho kết quả tốt. Thậm chí, nhiều giống đã cho hiệu quả cao, phát triển mạnh tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh nhưng khi đưa vào nhân rộng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Vin, Trưởng phòng Nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học công nghệ (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học) cho biết: "Khi chúng tôi đến đặt vấn đề xây dựng mô hình sản xuất giống mới, một số chính quyền địa phương và người dân tỏ ra e dè, đề phòng. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian giải thích, vận động".
Nguyên nhân là do người dân thường thiếu tin tưởng vào những giống được hỗ trợ. Bởi trước đây, nhiều doanh nghiệp trong vào ngoài tỉnh đã cung cấp giống với chất lượng, năng suất không đúng như giới thiệu cho bà con, có đơn vị bỏ dở giữa chừng khiến người dân mất lòng tin. Ngoài ra, do giống mới chưa phổ biến trên thị trường và người dân ít được tiếp cận với thông tin nên bà con cũng lo lắng sản xuất ra không tiêu thụ được.
Trước đây, nông dân xã Hùng Sơn (Thanh Miện) quen gieo cấy các giống lúa T10, Khang Dân, Q5. Để thay đổi cơ cấu giống và nâng cao hiệu quả kinh tế, xã quyết định đưa giống Bắc thơm số 7 vào sản xuất. Những vụ đầu rất ít hộ cấy giống này nhưng sau thấy hiệu quả nên diện tích cấy giống mới đã nhanh chóng lan rộng. Đến nay giống Bắc thơm số 7 đã hầu như thay thế giống cũ (mỗi vụ, gần 150 ha trong tổng số 170 ha đất lúa của xã được người dân xã Hùng Sơn gieo cấy bằng giống Bắc thơm số 7).
Vụ chiêm xuân năm nay, để thay thế giống Bắc thơm số 7 đang chuẩn bị thoái hóa, được sự hỗ trợ của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, xã Hùng Sơn đưa vào sản xuất thử nhiệm hơn 30 ha giống lúa mới Gia Lộc 102, lúa thơm 31. Trong đó, giống Gia Lộc 102 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh khá cao, năng suất vượt trội và chất lượng gạo không thua kém so với giống Bắc thơm số 7.
Chịu trách nhiệm
Để đưa giống mới vào thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho bà con nông dân là cả quá trình vất vả của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.
Khi xã Hùng Sơn thông báo sẽ sản xuất thử nghiệm 2 giống lúa mới Gia Lộc 102, lúa thơm 31, hầu hết các hộ dân không quan tâm, mặc dù biết tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ toàn bộ giá giống. Để giải tỏa những nghi ngờ về chất lượng gạo, năng suất, tỷ lệ gạo sau xay xát, xã đã chuyển 10 kg thóc Gia Lộc 102 cho bà con về nấu ăn thử. Sau khi được cầm, được nhìn, được ăn thử, người dân mới chấp nhận sản xuất.
Ông Phạm Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn chia sẻ: "Để nông dân yên tâm sản xuất giống lúa mới, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Điều quan trọng nhất là xã đứng ra nhận trách nhiệm hỗ trợ nông dân nếu gặp rủi ro".
Trong thời gian gieo cấy, lãnh đạo địa phương và cơ quan chuyên môn luôn theo sát quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại giống mới để có biện pháp xử lý kịp thời giúp bà con yên tâm hơn. Như vừa rồi, diện tích lúa Gia Lộc 102 bị bệnh vàng lá, xã Hùng Sơn đã trích ngân sách mua thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ nông dân với mức 32.500 đồng/sào. Viện Cây lương thực và cây thực phẩm hỗ trợ thêm 16.400 đồng/sào. Chỉ trong 2 ngày, toàn bộ diện tích lúa bị bệnh đã được xử lý dứt điểm.
Khi triển khai các đề tài, dự án khoa học, các cơ quan chuyên môn đều giải thích rõ cho bà con hiểu đây là việc có khả năng thành công cao và mục đích chính là làm lợi cho bà con. Các cơ quan khoa học đều đứng ra chịu trách nhiệm trước nông dân nếu thực hiện không thành công. Ngoài tuyên truyền bằng tài liệu, các cơ quan còn đưa lãnh đạo địa phương, bà con nông dân đi xem những mô hình thực tế ở trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thế Vin, để xây dựng các mô hình sản xuất thử nghiệm thành công, trước hết các địa phương phải nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cùng vào cuộc với nhà khoa học. Các địa phương cũng cần quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để việc áp dụng khoa học, công nghệ mới đạt hiệu quả cao.
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm của các cơ quan khoa học và chính quyền địa phương, nhiều giống mới đã được đưa vào sản xuất thành công, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Tiêu biểu như cây thanh long ruột đỏ, ổi lê Đài Loan, lúa chất lượng cao T10, dưa thanh lê, khoai tây Sinora, bí xanh số 2...
DANH TRUNG