Gian nan chuyện làm giàu của nhà nông

10/11/2011 07:02

Nhớ đến lúc mua từng cây giống rồi trồng, chăm bón, tưới tắm vất vả để khi bắp được thu hoạch thì không ai mua cho.

Đầu tháng 4-2011, chúng tôi có chuyến đi thực tế  sáng tác tại huyện Sông Mã (Sơn La). Ấn tượng tốt đẹp đối với chúng tôi là cây nhãn. Hỏi ra mới biết, những năm sáu mươi của thế kỷ XX bà con Hưng Yên lên đây khai hoang đã mang theo cây nhãn lên trồng. Bây giờ đồng bào dân tộc thiểu số gốc tích ở đây cũng trồng nhãn. Nhãn trùm hết quả đồi này sang quả đồi khác, bạt ngàn. Chúng tôi bảo nhau: "Thế này thì bà con mình không những hết nghèo mà vươn lên giàu có là cái chắc". Năm nay thời tiết thuận, nhãn được mùa.

Cuối mùa thu hoạch, tôi điện cho Trưởng đài Phát thanh huyện Sông Mã hỏi thăm. Anh ngao ngán bảo ở trên này cho không có người lấy. Tôi bảo thì bóc làm long nhãn. Anh bảo: Ai bóc cho hàng nghìn tấn nhãn. Nếu thuê thì tiền đâu mà thuê và thuê ai? Nhãn rẻ hơn bèo, đến bẻ xuống còn ngại, huống chi là bóc.

Nghe anh nói tôi thật sự thấy buồn. Trời cho ăn mà thị trường không có thì người nông dân vẫn khổ. Cả một năm trời trồng và chăm cho cây, chỉ có một tháng trông quả thì quả lại như thế, làm sao mà giàu được?

Liên tưởng đến cây vải thiều, tôi điện cho người bạn quê Thanh Hà, thì được biết đầu mùa nếu có vải chua (bà con ta vẫn gọi là tu hú) mà bán thì có lúc lên tới hai chục nghìn đồng/kg. Nhưng Thanh Hà chủ yếu trồng vải thiều. Khi có vải thiều chín rộ, giá quay về 3.000 - 4.000 đồng/kg. Thật không bõ công bẻ.

Lại nghĩ về quê tôi. Đồng rau Xuân Nẻo (Hưng Đạo, Tứ Kỳ) có tiếng từ lâu đời nhưng cũng nhiều phen cười ra nước mắt. Thấy cây gì có giá trị là cả làng đổ xô vào trồng. Khi có thành phẩm thì cho không ai lấy. Xuân Nẻo đã từng đổ cà chua quả vào chuồng lợn để làm phân bón, đã từng có năm hành tây đổ đi không ai mua. Su hào đi chợ bán không được đành đổ xuống ven đường. Bắp cải, cà rốt cũng vậy. Những chiếc bắp cải trắng tinh, chắc nịch to như cái xoong, phải chặt ra làm phân bón ruộng, trông mà xót. Nhớ đến lúc mua từng cây giống rồi trồng, chăm bón, tưới tắm vất vả để khi bắp được thu hoạch thì không ai mua cho.

Trong những ngày này, nông dân Kinh Môn đang tích cực trồng vụ đông. Ở đây có nghề trồng hành ta từ lâu đời. Có người bảo tôi: "Trồng để mà trồng chứ đã biết thế nào, như đánh bạc ấy". Sở dĩ như vậy là vì mùa  hành năm 2010, khi trồng, hành củ khô có lúc lên tới 40 nghìn đồng/kg. Thấy đắt như vậy, nhiều nhà giữ lại cho năm nay. Có nhà đã trồng một mẫu lại mua thêm vào với giá hành tươi là 15 nghìn đồng/kg. Thời điểm này, giá hành khô chỉ 8.000 - 10 nghìn đồng/kg. Lỗ nặng trông thấy. Có gia đình vẫn giữ nguyên 4 tấn hành khô với tâm lý "được ăn cả, ngã về không". Mà "ngã" có lẽ nhiều hơn là được vì mùa trồng sắp hết thời gian. Hành khô để trong bếp tự nó cũng lên mậm. Chỉ một tháng nữa, hành củ non (hành hoa) xuất hiện thì ai mua hành khô cho. Làm giàu thì ai chả muốn nhưng cứ như cây nhãn, cây vải, cây rau, cây hành vừa nói đến thì giàu thế nào được. Thậm chí còn nghèo nữa là đằng khác mà nông dân đâu có lười, họ cũng chịu xoay xở lắm.

Với người nông dân, chuyện làm giàu quả là lắm gian nan. Họ đã trồng đủ loại cây, nuôi đủ loại con, xoay mùa, chuyển vụ, năng động, sáng tạo. Vậy mà... Thỉnh thoảng trên báo, đài có đưa tin người nông dân này giàu vì trồng cây, người kia giàu vì chăn nuôi. Những điển hình ấy là có thật nhưng họ phải trả giá ra sao, họ phải vất vả thế nào ta chưa hiểu được hết. Vả lại họ đã giàu một cách bền vững chưa? Đó là câu hỏi chính họ cũng chưa biết trả lời.

Làm giàu bền vững là khát khao của tất cả nông dân. Nhưng muốn làm giàu cần có nhiều điều kiện lắm: Sức lao động, tư duy sáng tạo, vốn liếng, vật tư, sự ủng hộ của thời tiết, các cơ chế, chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước, sự gặp may với thị trường giá cả nữa.  Có lẽ cần có sự tác động ở tầm vĩ mô mới tạo ra được đà cho nông dân vươn lên làm giàu. Nông dân đã giàu thì nước nhất định sẽ mạnh.

VŨ DUY (Kinh Môn)

(0) Bình luận
Gian nan chuyện làm giàu của nhà nông