Gian nan "đãi cát tìm vàng"

27/07/2015 10:17

Việc tuyển chọn vận động viên có vai trò quan trọng quyết định thành tích của thể thao tỉnh nhà. Tuy nhiên, việc chọn người tài cho các đội tuyển ngày càng khó khăn.





 Việc tuyển chọn vận động viên bóng chuyền gặp nhiều khó khăn do ngoài tố chất thể thao
 còn phải thỏa mãn điều kiện khắt khe về chiều cao


Những năm qua, Hải Dương là địa phương có thể thao thành tích cao phát triển của toàn quốc. Các vận động viên liên tục gặt hái thành công ở các đấu trường trong nước và quốc tế. Thành tích trên là kết quả của quá trình "đãi cát tìm vàng" để tuyển chọn vận động viên giỏi.

Hàng nghìn chọn một

Gần chục năm làm công tác huấn luyện đội tuyển bơi, lặn của tỉnh, huấn luyện viên (HLV) Phạm Đăng Khoa không nhớ đã bao nhiêu lần đi tuyển vận động viên (VĐV). Thông thường sau mỗi chu kỳ Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc, lại có một đợt tuyển chọn VĐV với số lượng lớn. Còn bình thường, mỗi năm đội tuyển bổ sung VĐV hai lần. Để tìm được VĐV có năng khiếu, anh Khoa phải lặn lội đến các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Đến các trường, HLV đi một lượt các lớp, ngắm từng em. Những em có chiều cao, chân tay dài, bàn chân, bàn tay to là đối tượng được quan tâm lựa chọn. Cứ như vậy, HLV Khoa đi lần lượt hết trường này đến trường khác để tìm cho đủ số lượng VĐV cần thiết. Anh Khoa chia sẻ: "Kiếm được VĐV ưng ý như "mò kim đáy biển". Nếu đợt nào chỉ tuyển vài VĐV bổ sung thì đỡ vất vả, còn đợt tuyển nhiều phải đi đến 60 - 70 trường học và kéo dài mấy tháng trời".

Hiện nay, công tác tuyển chọn VĐV môn bóng chuyền nữ được xem là công phu nhất. Bởi ở môn bóng chuyền ngoài những tố chất thể thao cần thiết thì tiêu chí về chiều cao của VĐV mang tính quyết định. VĐV được tuyển chọn vào đội thường ở độ 13 - 16 tuổi. VĐV 13 tuổi phải cao từ 1,62 m trở lên và VĐV 16 tuổi chiều cao phải đạt trên 1,71 m. Do đó, việc tìm được 1 VĐV bóng chuyền công phu hơn nhiều lần so với tuyển VĐV ở các môn thể thao khác. Những năm qua, không biết HLV Nguyễn Mạnh Hà phụ trách đội tuyển bóng chuyền nữ trẻ đã phải đến đứng chờ ở cổng các trường THCS, THPT bao nhiêu lần. Anh và đồng nghiệp đứng ngoài cổng các trường vào thời điểm học sinh đến trường, hết giờ học hoặc tiết chào cờ, giờ thể dục để quan sát xem em nào có chiều cao vượt trội. Khi phát hiện được, các anh sẽ vào nhà trường đặt vấn đề hoặc theo học sinh về tận nhà để nói chuyện với gia đình. Theo HLV Nguyễn Mạnh Hà, hiện rất khó tìm các em thanh thiếu niên có chiều cao theo yêu cầu của môn bóng chuyền, bởi trong một lứa tuổi chỉ xuất hiện khoảng 20 em có chiều cao vượt trội. Trong khi đó, có em đạt chiều cao nhưng thể lực, tố chất thể thao kém. Bởi vậy, các HLV phải lăn lộn hết "hang cùng ngõ hẻm" để tìm kiếm.

"Vàng" ngày càng khó kiếm

"Kiếm được VĐV ưng ý như "mò kim đáy biển". Nếu đợt nào chỉ tuyển vài VĐV bổ sung thì đỡ vất vả, còn đợt tuyển nhiều phải đi đến 60 - 70 trường học và kéo dài mấy tháng trời".
Làm tốt việc tuyển chọn là nhân tố quyết định đến thành công trong công tác đào tạo, huấn luyện và thi đấu giành thành tích cao của VĐV. Tuy nhiên công tác tuyển chọn VĐV ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trở ngại lớn nhất không phải vì các bộ môn không tìm được VĐV có năng khiếu mà chủ yếu vướng ở phía gia đình các em. Điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, nhiều gia đình không muốn cho con theo thể thao chuyên nghiệp vì sợ vất vả, phải xa nhà từ bé. Họ muốn cho con học văn hóa để sau này kiếm công việc ổn định hơn là cho con theo nghiệp thể thao, khi không còn phát triển được thành tích cao, công ăn việc làm, tương lai sẽ bấp bênh. Các HLV mất nhiều công sức để tìm được VĐV tốt nhưng khi đặt vấn đề thì không phải gia đình nào cũng đồng ý. Có gia đình các HLV phải đến thuyết phục 3 - 4 lần mới được.

HLV Nguyễn Mạnh Hà còn nhớ, đầu năm 2015, biết được cháu Trần Thị Nhung sinh năm 1999 ở xã Phúc Thành (Kinh Môn) cao 1,76 m, có tố chất thể thao tốt nhưng khi thuyết phục gia đình cho cháu vào đội bóng chuyền tỉnh thì bị từ chối. Đây là một trường hợp HLV Hà rất tiếc vì không phải lúc nào cũng tìm được người như thế.

Tuyển được VĐV đã khó nhưng để giữ được các em gắn bó còn khó hơn. Hằng năm, số lượng VĐV của các đội tuyển xin về khá nhiều. Để có được một VĐV có thành tích cao là một nỗ lực lớn của các HLV. Tiêu biểu như trường hợp của VĐV bóng chuyền nữ Lê Thị Hồng. Những tháng đầu lên đội tuyển, Hồng không yên tâm tập luyện, liên tục xin về nhà. Biết được đây là VĐV có tố chất tốt, tương lai sẽ phát triển nên anh Nguyễn Quang Vinh, HLV đội tuyển lúc đó bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm đã động viên, thuyết phục Hồng và gia đình để Hồng yên tâm tập luyện. Hiện nay, Hồng là một VĐV xuất sắc của tỉnh và đang tập luyện ở đội tuyển quốc gia.    



 Các vận động viên phải xa gia đình từ nhỏ nên nhiều gia đình không ủng hộ


Công tác tuyển chọn VĐV còn gặp sự cạnh tranh của các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao công an, quân đội, các đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương Việt Nam, Phòng không - Không quân, Thông tin Lienvietpostbank... Đây là những đơn vị có thương hiệu, tiềm lực kinh tế, điều kiện tập luyện, chế độ đãi ngộ cao, có sức hút đối với các VĐV nên càng tăng thêm áp lực cho việc tuyển chọn VĐV của các đội tuyển tỉnh. Nhiều gia đình đã nhận lời cho con theo các đơn vị trên, từ chối các đội tuyển của tỉnh.

Việc tuyển chọn VĐV có vai trò quan trọng đối với thành tích của thể thao Hải Dương. Thời gian tới, để giúp công tác tuyển chọn VĐV thuận lợi hơn và thu hút được những VĐV trẻ thực sự có tài năng đến với các đội tuyển, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao chế độ, giải quyết đầu ra giúp VĐV và gia đình yên tâm cho con em gắn bó với thể thao chuyên nghiệp. Công tác khen thưởng cũng cần kịp thời để bản thân VĐV, gia đình, địa phương của VĐV thấy tự hào.


 DANH TRUNG




(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan "đãi cát tìm vàng"