Sáng 14.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và cho ý kiến về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết cử tri cho rằng việc xử lý trách nhiệm liên quan đến sai phạm thi cử ở tỉnh Hà Giang vừa qua là không thuyết phục. Ảnh: LÊ KIÊN
Xử lý cán bộ ở Hà Giang không thuyết phục
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết từ trước Kỳ họp thứ 7, cử tri nhiều địa phương kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018.
Trả lời cử tri, bộ cho rằng chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm phần mềm chấm thi, công tác quán triệt quy chế thi, công tác thanh tra), bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục.
"Tuy nhiên, trả lời không nêu rõ có cá nhân, đơn vị nào vi phạm hay không, mức độ vi phạm và xử lý như thế nào? Cử tri cho rằng vụ gian lận thi cử năm 2018 vừa qua, nhìn chung các địa phương, đặc biệt là Hòa Bình và Sơn La đã xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với cán bộ, đảng viên có vi phạm" - bà Hải nói, đồng thời nhận định: "Có thể nói, những sai phạm chủ yếu là do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục tại một số địa phương, tuy nhiên Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng, nhưng thực tế cho thấy bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi".
Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang ra tòa sáng 18.9. Ảnh: N.V.HẢI
Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết đối với kỳ thi 2019, cử tri đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tuy nhiên cử tri còn băn khoăn về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi 2018 và mong muốn Bộ GD-ĐT khẩn trương tiếp tục rà soát, xử lý những vi phạm tại kỳ thi 2018 nếu có để bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc xử lý cán bộ liên quan đến sai phạm thi cử ở Hà Giang vừa qua cử tri cho rằng không thuyết phục, có hiện tượng né tránh trách nhiệm.
Tham nhũng trong cơ quan phòng chống tham nhũng
Một nội dung đáng chú ý nữa trong báo cáo của Ban Dân nguyện là "hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật đã được cử tri phản ánh từ lâu".
Bà Hải dẫn chứng: "Từ thực tế phát hiện sai phạm của một số thanh tra viên Bộ Xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT bị khởi tố, bắt tạm giam trong thời gian gần đây cho thấy đây là một hiện tượng có thật tuy không phổ biến nhưng tác hại, hậu quả mà nó gây ra trong dư luận xã hội là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân".
Ban Dân nguyện "kiến nghị người đứng đầu cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác bảo đảm bố trí đúng cán bộ có năng lực, phẩm chất và đạo đức công tác tại các vị trí nhạy cảm này".
Tuy nhiên, bản báo cáo cũng đánh giá cao nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc trả lời, giải quyết kiến nghị, ý kiến của cử tri, làm giảm bức xúc xã hội. Ví dụ, về nạn tham nhũng vặt, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 về ngăn chặn và xử lý tham nhũng vặt, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra "tham nhũng vặt".
Từ đó, đã xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả, như Sở NN&PTNT Quảng Ninh lập đường dây nóng (24/24) tiếp nhận phản ánh về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của công chức; UBND TP Đà Nẵng lắp đặt hệ thống ghi âm, ghi hình trực tuyến tại các điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân; Bộ Tài chính rà soát điều chuyển công tác 4.240 công chức hải quan và 1.200 công chức thuế; Bộ Y tế triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh…
Tiếp thu phản ảnh của cử tri Thái Bình, Đắk Lắk, Vĩnh Long… về những tiêu cực trong thực hiện chế độ cho người có công, Bộ LĐ-TB&XH đã kiểm tra 53.718 hồ sơ, phát hiện 650 hồ sơ sai phải đình chỉ trợ cấp, nộp trả ngân sách 63,718 tỉ đồng; phát hiện Hội đồng giám định y khoa một số tỉnh kết luận sai 1.176 bộ hồ sơ…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh. Ảnh: CTV
Chủ quyền Biển Đông của Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8 (khai mạc ngày 21.10), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết: Nhân dân băn khoăn, lo lắng trước tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Cử tri và nhân dân chưa hài lòng về tình trạng kỷ cương, kỷ luật hành chính chuyển biến còn chậm; quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa triệt để gây bức xúc ở một số địa phương; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long; sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng…
Theo Tuổi trẻ