Giận con

11/10/2020 18:38

Chỉ tại mẹ em quá kỳ vọng vào em, bắt em phải thế này phải thế kia, phải giỏi bằng chị gái, phải giỏi bằng bạn bè nên lúc nào em cũng cảm thấy mệt mỏi, ức chế.



Nghe cô giáo chủ nhiệm của con trai thông báo thằng bé sử dụng điện thoại trong giờ học để chơi game, bị ghi tên vào sổ đầu bài, chị Ngân cảm thấy như bốc hỏa lên đầu. Chị không thể làm được việc gì, chỉ chờ thằng Quân đi học về để “xả” một trận cho bõ tức bởi chuyện này nó đã lặp lại lần thứ hai. Chị đặt bao nhiêu hy vọng vào con trai, mong nó sẽ chăm ngoan, giỏi giang như chị gái, nhưng càng ngày nó càng làm chị thất vọng.

Từ khi Quân đỗ vào lớp 10, vợ chồng chị Ngân sắm cho con đủ thứ, từ đồng hồ đeo tay, điện thoại di động đến xe đạp điện, như là phần thưởng cho thành tích học tập mà Quân đạt được. Quân tỏ ra mãn nguyện, hài lòng nên nó học hành bê trễ, sa sút. Mỗi lần sổ liên lạc điện tử thông báo điểm kiểm tra của nó dưới trung bình là chị Ngân điên hết cả người. Chị mắng thằng bé té tát, rồi đem so sánh nó với chị gái đang học đại học, hay mấy đứa bạn giỏi nhất nhì ở lớp. Những lời đay nghiến con của chị vọng sang cả hàng xóm: “Mẹ thật thất vọng về con. Con thử nhìn chị con xem, nhìn chúng bạn con xem, có ai học hành be bét và hay quậy phá như con không?”. Rồi thì: “Giời ơi là giời, nuôi con ăn học chỉ phí cơm phí gạo, dăm bữa nửa tháng lại gây chuyện ở lớp. Thế này thì bố mẹ còn mặt mũi nào mà đi họp phụ huynh. Thế này thì làm được trò trống gì cho đời hả con?”…

Nhiều lần, chị Ngân còn lu loa ầm ĩ, chuyện bé xé ra to để chồng chị đánh con. Lúc nhỏ, bị bố đánh, thằng Quân còn khóc lóc, sợ hãi chứ gần đây, mỗi khi bị ăn đòn, nó thường im lặng. Chồng chị tịch thu điện thoại, không cho nó sử dụng thì bây giờ nó mượn điện thoại của bạn để chơi điện tử trong giờ học. Sự gan lì của con trai khiến chị Ngân càng tức giận. Đã thế lần này chị cũng thi gan với nó xem sao.

Cả tuần chị Ngân không thèm nói với con một câu. Nó đi hay về, ăn hay ngủ thế nào chị cũng không bận tâm. Không khí gia đình rất căng thẳng. Thằng Quân tỏ ra sợ mẹ, ánh mắt nơm nớp và tìm cách lảng tránh mẹ. Nó chỉ sợ mẹ lên cơn thì bố nó sẽ tẩn cho nó một trận. Bệnh đau đầu của chị Ngân lại tái phát. Chị nằm rên rỉ, làm mình làm mẩy nhưng Quân vẫn nhất định không lại gần mẹ, không hỏi han mẹ một lời. Khoảng cách giữa hai mẹ con cứ xa dần sau mỗi lần chị Ngân giận con. Chỉ đến khi cô giáo chủ nhiệm phát hiện Quân giả mạo chữ ký của mẹ trong bản kiểm điểm và thuê bà buôn đồng nát đến gặp cô để nhận lại điện thoại thì nó hoảng sợ xin lỗi và tha thiết xin cô đừng thông báo cho mẹ nó biết: “Em sợ mẹ em lắm cô ạ. Mẹ em giận em, cả tuần nay mẹ không nói với em”. Chỉ vì quá sợ mẹ mà Quân liên tiếp nói dối cô giáo, tìm đủ mọi cách để đối phó với cô. Được cô khuyên nhủ, nó dần mở lòng và tâm sự: “Chỉ tại mẹ em quá kỳ vọng vào em, bắt em phải thế này phải thế kia, phải giỏi bằng chị gái, phải giỏi bằng bạn bè nên lúc nào em cũng cảm thấy mệt mỏi, ức chế. Em mắc một lỗi nhỏ mẹ cũng phàn nàn. Chưa bao giờ mẹ hài lòng về em. Mẹ nói nhiều em cũng sợ, mà mẹ im lặng khiến em càng sợ hơn. Nhiều lúc em chán nản chẳng thiết học hành gì cô ạ. Em cảm thấy không tự tin vào bản thân mình”. Cô giáo chủ nhiệm ngạc nhiên trước cách xử sự của một bà mẹ với cậu con trai mới lớn. Cô hứa với Quân sẽ có cách giúp mẹ nó thay đổi suy nghĩ với điều kiện Quân cũng phải sửa chữa những khuyết điểm của mình trong thời gian vừa qua để tiến bộ hơn. Nó lí nhí cảm ơn cô giáo.

Sau buổi trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm của Quân, chị Ngân vỡ ra nhiều điều. Chị nhận thấy mình đã không hiểu con trai, gây áp lực cho nó. Đáng lẽ chị phải gần gũi con, tâm sự với con như một người bạn, lắng nghe con chia sẻ vui buồn thì ngược lại, chị không bận tâm đến cảm xúc của con. Chị giận con như cơm bữa. Chị đã nhiều lần “đổ dầu vào lửa” để con bị bố đánh đến mức rạn đòn. Bây giờ, nhìn con trai thức khuya, đang ngủ gục bên bàn học, tự dưng nước mắt chị ứa ra. Chợt nhớ lời cô giáo chủ nhiệm của Quân: “Xa con càng dễ đánh mất nó”. Chị không thể giận con được nữa...

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giận con