Hiện là thời điểm xuống giống cây cà rốt vụ sớm tại nhiều địa phương vùng chuyên canh trong tỉnh.
Nông dân chăm sóc cà rốt
Để giảm thiểu lượng cây con sau gieo bị chết rũ do sâu bệnh gây hại, nông dân cần chú ý một số vấn đề sau:
Trường hợp cây non bị héo tái xanh và rễ nhổ lên bị cắn cụt: Triệu chứng này là do sùng trắng dưới đất gây hại. Đây là đối tượng sâu hại mà nông dân rất khó phát hiện vì trứng, sâu non và nhộng đều tồn tại trong đất. Chỉ khi trưởng thành, chúng mới sống trên cây nhưng lại trú ngụ trên các cây đa, sung, xoan, bưởi, bạch đàn nên khó phát hiện.
Sùng trắng phát sinh và gây hại rễ, củ nhiều loài cây trồng cạn. Khi bị hại, cây trồng có thể bị chết cục bộ hoặc chết trên một diện tích lớn tùy theo mật độ sùng dưới đất. Cây bị hại héo rũ trông giống như chết do bệnh héo xanh vi khuẩn nhưng rễ bị cắn cụt.
Cách phòng trừ: - Luân canh với lúa nước sẽ làm trứng, sâu non và nhộng trong đất bị chết hàng loạt do đất bị ngập nước.
- Trước khi gieo trồng cần cày sâu, dùng bừa máy băm đất nhỏ làm chết sùng non. Khi thấy có cây vừa bị chết nên đào xung quanh bắt giết sâu non. Bắt sâu trưởng thành trên các cây ký chủ sau trận mưa đầu mùa (khoảng trung tuần tháng 5) trong khoảng thời gian từ 20-22 giờ hoặc phun thuốc lên cây ký chủ khi chúng lên ăn và giao phối (khoảng 3- 4 lần).
- Xử lý đất trước khi gieo trồng bằng cách rắc vào đất một trong các thuốc: Vibasu 10 H (1kg/sào) hoặc Furadan 3G, Regent 0,3G...
Cày sâu sau khi thu hoạch cũng làm giảm quần thể sâu hại.
Trường hợp cây bị thối mục rễ hoặc phần thân tiếp giáp mặt đất bị thối nâu: Đây là triệu chứng điển hình của tổ hợp nấm mà chủ đạo là nấm Rhizoctonia tồn tại trong đất trồng gây hại làm cây chết ẻo lúc non (chết thắt thân) hoặc chết do thối hỏng rễ.
Nông dân cần chú ý thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Trước khi gieo hạt khoảng 3-4 ngày, cần sử dụng một số loại thuốc trừ nấm an toàn như thuốc gốc đồng hay thuốc có hoạt chất Validacin, Difenoconazole… phun đẫm toàn bộ bề mặt luống.
- Thời điểm cây nảy mầm và mọc khỏi mặt luống, cần giữ ẩm vừa đủ cho cây, không nên tưới đẫm làm độ ẩm mặt luống cao sẽ dễ khiến các loài nấm trong đất phát sinh và gây hại cây non.
Tuyệt đối không nên tưới phun mưa cho cây non khi đã về chiều tối. Cần bảo đảm cho thân lá cây về đêm phải khô nước. Nếu thời tiết có sương ban đêm hoặc mưa nhiều, cần phun thuốc có các hoạt chất trên để phòng bệnh cho cây.
- Việc tưới thúc phân bón cho cây non cần sử dụng đạm và kali sao cho cân đối, tránh bón đạm đơn hoặc thừa đạm. Có thể sử dụng chế phẩm nấm cộng sinh (Rhizomyx) hòa cùng phân bón bổ sung cho rễ cây phát triển sâu rộng.
- Cần tỉa cây định kỳ sao cho đúng thời điểm (cây cao 3-4cm), tránh tỉa nhổ muộn làm mật độ cây dày, dễ sinh bệnh.
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)