Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 19.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Ảnh: Quochoi.vn
Cơ chế linh hoạt, văn minh
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; cho rằng việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác này. Cơ chế mới này cũng góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chỉ rõ, số lượng án tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình… hiện nay rất lớn. Riêng số liệu về vụ án dân sự hành chính, hàng năm tòa đã phải thụ lý, giải quyết là 458.700 vụ, tỷ lệ tăng là 9%/năm. Báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy, qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án, tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành đạt trên 78%; trong đó vụ việc về hôn nhân và gia đình đạt tới 86%; án dân sự là 47%... Nhất trí cao việc ban hành Luật, đại biểu Mai Thị Phương Hoa chỉ rõ, đây là cơ chế hòa giải tiền tố tụng, góp phần giảm tải cho tòa án. "Cơ chế này cũng linh hoạt, văn minh, cho phép các bên có thể bình tĩnh ngồi với nhau trong phòng kín có hòa giải viên, không bị lộ bí mật, có thể thỏa thuận với nhau mà không cần nộp đơn khởi kiện ra tòa”, đại biểu nhấn mạnh.
Về kinh phí hòa giải, đối thoại tại tòa án (Điều 6), theo Tờ trình, Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác này, do đó không quy định về phí hòa giải, đối thoại tại tòa án trong dự thảo Luật.
Một số ý kiến cho rằng, cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội. Theo Báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, kết quả tổng kết thí điểm cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án là phù hợp.
Trong khi đó, một số ý kiến tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án, tuy nhiên, có thể cân nhắc quy định thu một khoản phí đối với 2 trường hợp: Pháp nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) nêu quan điểm, đối với các vụ án bình thường, đơn giản có thể không thu phí nhưng đối với vụ án kinh doanh, thương mại… nên thu phí một phần để bù đắp kinh phí mà Nhà nước trả cho hòa giải viên cũng như tạo điều kiện cơ sở vật chất để vụ việc hòa giải, đối thoại được tiến hành.
Các đại biểu cũng cho rằng, nếu theo phương án này, thì phải sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan vì hiện nay Luật phí và lệ phí năm 2015 chưa có quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong Danh mục phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30.12.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có quy định về trình tự, thủ tục, mức thu, miễn, giảm, nộp phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Nâng cao chất lượng giám định tư pháp
Tại phiên làm việc chiều 19.11, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, công tác giám định trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Đại biểu dẫn chứng, vụ Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng xâm hại bé gái trong thang máy vẫn tranh cãi xung quanh việc “tay trái, tay phải”, trong khi đây là vấn đề rất quan trọng xác định có dâm ô hay không để xử lý trách nhiệm hình sự. Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, xuất hiện tình trạng giám định tâm thần làm giả hồ sơ để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Do đó, việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp phải nâng cao chất lượng giám định, đảm bảo tính khách quan, công tâm. “Giám định do máy móc, nhưng máy móc cũng do con người điều khiển. Vì vậy, cần quy trách nhiệm của cơ quan giám định và người ký ban hành kết luận giám định, đặc biệt là các giám định viên là người điều khiển máy móc”, đại biểu phân tích.
Đưa ra thực tế trong các vụ án hiếp dâm hay giao cấu với trẻ em, việc xác định tội danh khó khăn do các cơ quan chức năng tổ chức giám định quá muộn, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ, đây là kẽ hở về mặt pháp lý chưa xử lý được. Vì vậy cần quy định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phối hợp để đẩy nhanh quá trình đưa bị hại đi giám định.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp. Đại biểu cũng chỉ ra nhiều bất cập trong công tác giám định như quy trình chưa đầy đủ, vấn đề xã hội hóa giám định chưa đạt yêu cầu, việc trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế hoặc cơ quan trưng cầu không cung cấp văn bản kịp thời cho cơ quan giám định… “Nhiều vấn đề do tổ chức thực hiện Luật chưa hiệu quả như mong muốn và cũng do Luật còn bất cập nên tôi tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong công tác giám định tư pháp là do khâu tổ chức thực hiện. Hiện nay, giám định tư pháp theo vụ việc, cụ thể là giám định theo lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, đất đai, xây dựng… rất phức tạp, gây khó khăn trong giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian giám định tới 5 năm mà vẫn chưa xong, từ đó kéo dài việc giải quyết, ảnh hưởng lớn đến quá trình tiến hành tố tụng. Tán thành với việc sửa đổi luật, tuy nhiên đại biểu cho rằng, phải chấn chỉnh khâu tổ chức thực hiện, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tiến hành giám định.
Theo TTXVN