Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng

22/05/2019 09:06

Diễn ra từ ngày 15-22.5, Tuần lễ quốc gia về phòng chống thiên tai là dịp đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân trong phòng chống thiên tai.


Xây dựng tuyến kè nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn các tuyến đê

Năm nay, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy khoảng thời gian từ ngày 15-22.5 là Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai. Tuần lễ năm nay có chủ đề "Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng" nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền và người dân trong phòng chống thiên tai.

Cần nâng cao nhận thức

Hải Dương có hệ thống công trình đê điều lớn gồm 19 tuyến đê với tổng chiều dài gần 374 km, trong đó 256 km đê cấp III trở lên, 118 km đê dưới cấp III. Việc bảo đảm an toàn của các tuyến đê là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong mùa mưa bão. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi dòng chảy, khai thác cát trái phép nên nhiều vị trí kè, bờ sông đã xảy ra các sự cố nghiêm trọng. Cụ thể như bờ lở Mạc Ngạn, Nhân Huệ (TP Chí Linh); thượng lưu kè Thanh Quang, hạ lưu kè Minh Tân (Nam Sách); kè Trường Thành, Thanh Hồng (Thanh Hà)... có sự cố, đe dọa tới an toàn của các tuyến đê.

Ông Vũ Đình Bảy, Chủ tịch UBND phường Đồng Lạc (TPChí Linh) cho biết: Phường có 2 điểm sạt lở nghiêm trọng là kè Ba Kèo và bờ lở Mạc Ngạn. Đây là 2 trong 3 trọng điểm chống lụt, bão trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, bờ lở Mạc Ngạn, hiện cung sạt có tổng chiều dài 96 m, điểm gần nhất của cung sạt cách chân đê phía sông 15 m, điểm sâu nhất cách bờ 18 m". Các điểm sạt này đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng và tài sản của người dân nên phường Đồng Lạc xác định bảo vệ an toàn đê điều là nhiệm vụ quan trọng. Phường đã cắm biển cảnh báo, theo dõi diễn biến sạt lở của 2 sự cố trên. Đồng thời, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan nên việc xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm được các địa phương hết sức quan tâm. Mỗi trọng điểm đều có kịch bản các tình huống có thể xảy ra, từ đó có các phương án ứng phó với phương châm "4 tại chỗ” và "ba sẵn sàng”. Do ít có các sự cố lớn về đê điều như vỡ đê hay nước lũ dâng cao dẫn đến không ít lãnh đạo địa phương và người dân còn chủ quan, lơ là trong phòng chống thiên tai. Vì vậy, Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai là dịp để các địa phương nâng cao nhận thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân.

Chủ động đối phó với thời tiết cực đoan

Trên thực tế, Hải Dương đã từng xảy ra nhiều loại thiên tai như áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn... Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng có vai trò rất quan trọng nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, để chủ động đối phó với thời tiết cực đoan, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, các ngành cần chủ động thực hiện nghiêm theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; thành lập và tổ chức tập huấn cho các lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời, đánh giá chất lượng công trình đê điều, thủy lợi nội đồng, các công trình phòng chống thiên tai khác, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố phát sinh; xây dựng các phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, bảo đảm an toàn các tuyến đê.

Các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, dự báo kịp thời tình hình mưa lũ, để người dân nắm được và biết cách phòng tránh. Khi cộng đồng nhận thức được về các hiện tượng thiên tai, mức độ phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng