Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy không chỉ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, tập trung hơn vào chuyên môn mà còn công khai, minh bạch các thông tin.
Công nghệ giúp giáo viên khai thác hiệu quả nguồn học liệu trên internet. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Tiểu học Quang Minh (Gia Lộc)
Công nghệ thông tin giúp giảm gánh nặng hồ sơ, sổ sách, tạo điều kiện cho giáo viên tiết kiệm thời gian, tập trung hơn vào chuyên môn.
Những năm gần đây, các trường học trong tỉnh đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy bằng việc số hóa hồ sơ. Nhiều hồ sơ, sổ sách bằng giấy nay đã được thực hiện trên nền tảng công nghệ như giáo án điện tử, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, viên chức…
Giáo viên Trường Tiểu học Quang Minh (Gia Lộc) đang thực hiện trình duyệt giáo án trên môi trường điện tử thông qua ứng dụng quản lý trường học trực tuyến SMAS. Thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Trước đây, giáo viên phải soạn giáo án bằng phương pháp thủ công trên giấy và trình lãnh đạo trường phê duyệt trực tiếp thì nay thực hiện hoàn toàn trên máy tính. Tất cả giáo án, nội dung chương trình dạy và học, báo cáo được giáo viên đẩy lên thư mục trên SMAS, thuận tiện, nhanh chóng mà không phải viết tay và trình trực tiếp như trước đây. Lãnh đạo trường có thể dùng chữ ký số duyệt trên máy tính".
Đánh giá về ưu điểm vượt trội của công nghệ, thầy Nguyễn Văn Hùng, Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn) cho biết số hóa hồ sơ, sổ sách giúp giáo viên giảm bớt gánh nặng, tiết kiệm thời gian để tập trung nhiều hơn vào công việc chuyên môn. Trước đây, nhiều giáo viên lên lớp với một đống sổ sách, giấy tờ thì nay đã nhẹ nhàng hơn. Tiện ích hơn là sử dụng học bạ điện tử, giáo viên có thể nhận xét được nhiều hơn vì trong học bạ giấy, phần trống để giáo viên ghi rất nhỏ, chỉ được vài dòng. Với học bạ giấy, nếu ghi sai giáo viên lại phải gạch bỏ phần sai, dập xoá, mất thời gian. Nhưng khi số hóa toàn bộ sổ sách, hồ sơ thì mọi thứ dễ dàng cho giáo viên hơn rất nhiều.
Theo thầy Vũ Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ, trước kia việc tính điểm cho học sinh một cách thủ công rồi ghi chép vào sổ, khó tránh khỏi nhầm lẫn. Nay mỗi giáo viên được cấp một tài khoản để đăng nhập vào hệ thống. Chỉ cần máy tính hoặc chiếc điện thoại có kết nối mạng internet, giáo viên ở bất cứ đâu cũng có thể vào điểm. Hệ thống sẽ tự tính toán, giáo viên không phải vất vả ngồi cộng, trừ, nhân, chia điểm của từng học sinh, tính trung bình môn, phần trăm… mà tính chính xác lại không cao.
Nhiều giáo viên cho biết việc sử dụng sổ điểm điện tử thay cho học bạ giấy còn giúp công khai, minh bạch các thông tin trong nội bộ của đơn vị và phạm vi quản lý ngành. Khi nhập hay sửa, phần mềm đều lưu lại chi tiết và kết nối trên cơ sở dữ liệu liên thông giữa Sở Giáo dục và Đào tạo - Phòng Giáo dục và Đào tạo- nhà trường, cùng tất cả giáo viên nên sẽ hạn chế những tiêu cực trong việc xin, sửa điểm.
Nhờ công nghệ, nhiều trường đã áp dụng hiệu quả các phần mềm trong giảng dạy, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải dạy và học trực tuyến. Thông qua bảng tương tác, máy tính, ti vi, máy chiếu cùng mạng internet, giáo viên khai thác hiệu quả nguồn học liệu trong giảng dạy.
Nhiều trường cũng ứng dụng phần mềm để xử lý các kế hoạch, đăng ký giảng dạy, lịch công tác, thời khóa biểu… Thông qua các nền tảng như Zalo, các thông báo, chỉ đạo của nhà trường được giáo viên cập nhật nhanh hơn, thực hiện công việc hiệu quả hơn. Phần mềm SMAS cũng giúp giáo viên xuất các file kết quả học tập, thông tin về học sinh gửi cho phụ huynh nhanh chóng hơn mà không cần in giấy.
Ngành giáo dục và đào tạo Hải Dương đã có bước chuyển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ mới. Ông Phạm Hải Ninh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay việc số hoá hồ sơ, sổ sách đã được triển khai trong toàn ngành giáo dục. Việc này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho giáo viên, nhà quản lý, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Sở Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức thực hiện hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý của ngành. Hệ thống này có thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông, tổng hợp thông tin dữ liệu từ các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường. “5-6 năm trở lại đây, công nghệ đã giúp giảm khoảng 60% thủ tục, hồ sơ, sổ sách bằng giấy”, ông Ninh nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc số hóa hồ sơ, sổ sách cho giáo viên đã và đang có những hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn trường chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin trong số hoá hồ sơ sổ sách cho giáo viên. Có một số giáo viên nhiều tuổi ngại đổi mới, tiếp cận công nghệ thông tin. Điều này đòi hỏi các trường, giáo viên phải nhận thức rõ chủ trương cũng như ưu việt của công nghệ, chuyển đổi số trong giảng dạy để đáp ứng với tình hình mới.
THẾ ANH