Với nhiều cải tiến trong quy chế tuyển sinh đã giúp học sinh cũng như nhà trường thuận lợi hơn trong công tác xét tuyển...
Ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đợt 1 thưa vắng thí sinh
Xét tuyển đợt 1 đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2016 đã đi vào ngày cuối. Tại một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh, với những thay đổi tích cực trong công tác tuyển sinh, các thí sinh và cả phía nhà trường bước đầu đã giảm được nhiều áp lực.
Tiện lợi từ nhiều điểm mớiSo với năm đầu tiên triển khai kỳ thi THPT quốc gia, năm nay, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều điểm mới. Xét tuyển đợt 1, mỗi thí sinh được đăng ký vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Khi đã nộp hồ sơ, thí sinh không được rút ra. Sự thay đổi này được rút kinh nghiệm từ năm trước, tránh tình trạng càng về cuối đợt xét tuyển càng có nhiều xáo trộn, giúp thí sinh cảm thấy yên tâm hơn khi nộp hồ sơ. Công tác tuyển sinh của các trường cũng đỡ vất vả.
Sáng 12-8, tại điểm tiếp nhận hồ sơ xét tuyển Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, không còn cảnh chen chúc thí sinh đến rút, nộp hồ sơ như năm ngoái. Số thí sinh đến nộp hồ sơ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì phần đông thí sinh đã làm thủ tục đăng ký xét tuyển vào trường từ 1-2 ngày trước. Anh Nguyễn Kiều Hưng, chuyên viên Phòng Đào tạo của trường nhớ lại, ngày này năm trước, có thời điểm có tới 200-300 thí sinh cùng đến, người rút, người nộp hồ sơ. Nhà trường phải bố trí nhiều bàn tiếp nhận và hướng dẫn thí sinh làm thủ tục. Nhưng năm nay, đến thời điểm này, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của nhà trường không phải quá vất vả.
Bạn Trương Thị Thu Nga ở thôn Phạm Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) cho biết: "Quy định nộp hồ sơ vào không được rút ra giúp chúng em yên tâm hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa chúng em phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước quyết định của mình".
Năm nay, có 3 hình thức đăng ký xét tuyển. Ngoài nộp trực tiếp, gửi chuyển phát qua bưu điện, thí sinh còn có thể đăng ký trực tuyến qua website thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Năm ngoái, hình thức nộp hồ sơ trực tiếp là chủ yếu, gây áp lực cho cán bộ tuyển sinh các trường (hình thức chuyển qua bưu điện chủ yếu được các thí sinh vùng sâu, vùng xa áp dụng). Năm nay, tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển chiếm 40-50%. Rõ ràng, việc đăng ký xét tuyển trực tuyến đã giảm tải phần lớn công việc cho các cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh ở tất cả các trường.
Ngoài ra, trên website riêng, các nhà trường không được phép công bố số hồ sơ đăng ký như năm trước mà chỉ được công bố chỉ tiêu đầu vào của các ngành. Điều này khiến cả phụ huynh và thí sinh không phải lo "canh điểm". "Năm ngoái, tôi và con gái phải ở trọ 15 ngày trên Hà Nội. Ngày nào tôi cũng phải in 1 bộ danh sách thí sinh cùng nộp hồ sơ đăng ký như con mình để xem vị trí của cháu là bao nhiêu, còn khả năng đỗ không?", bà Phạm Thị Hải (ở số 52/106 đường Nguyễn Lương Bằng, TP Hải Dương) cho biết. Năm nay, bà Hải lại đi làm hồ sơ đăng ký xét tuyển giúp cháu họ nhưng bà đã cảm thấy yên tâm hơn.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn quy định điểm chuẩn nguyện vọng 2 không nhất thiết phải cao hơn điểm chuẩn của nguyện vọng 1, miễn sao các trường tuyển đủ chỉ tiêu. "Quy định này không chỉ cho các thí sinh thêm nhiều cơ hội mà các trường, nhất là một số trường còn thiếu chỉ tiêu cũng có thêm cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu", chị Nguyễn Thị Tâm, chuyên viên phụ trách tư vấn tuyển sinh Trường Cao đẳng Hải Dương nói.
Vẫn lo hồ sơ ảoĐến hết ngày 12-8, số lượng hồ sơ của thí sinh nộp vào các trường ĐH, CĐ thuộc nhóm "tốp trên" như Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương... đều đã vượt so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường này vẫn lo ngại vì cho rằng lượng hồ sơ ảo chắc chắn vẫn còn. Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tuyển 900 chỉ tiêu cho tất cả các ngành học nhưng kết thúc đợt 1 đã có hơn 2.100 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký. Theo anh Nguyễn Kiều Hưng, đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm nay mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều thay đổi nhằm hạn chế sự xáo trộn trong công tác tuyển sinh tại các trường nhưng mỗi thí sinh vẫn có quyền nộp hồ sơ vào hai trường khác nhau. Ở mỗi trường thí sinh lại được quyền dự tuyển vào 2 ngành. Do đó lượng hồ sơ ảo chắc chắn sẽ có. Mặc dù rất đông thí sinh đã đăng ký dự tuyển vào trường nhưng nhà trường cũng chỉ hy vọng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, không phải kéo dài sang đợt 2, đợt 3.
Việc không được rút hồ sơ khi đã nộp khiến các thí sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi
quyết định chọn ngành, chọn trường
Năm nay, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương sẽ tuyển 700 chỉ tiêu. Sau xét tuyển đợt 1, nhà trường đã nhận 950 hồ sơ của thí sinh. Anh Nguyễn Tân An, Phó Trưởng Phòng đào tạo phụ trách công tác tuyển sinh nhà trường cho biết: "Chúng tôi ước tính sẽ có khoảng 30-40% số hồ sơ ảo. Vì thế công tác tuyển sinh nhà trường sẽ còn phải kéo dài sang đợt tiếp theo".
Không chỉ lo lắng về lượng hồ sơ ảo, một số trường ĐH, CĐ ở Hải Dương còn đang lo vì sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1 số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vẫn còn khá thấp. Năm nay, Trường Cao đẳng Hải Dương đặt mục tiểu tuyển sinh 2.950 chỉ tiêu, nhưng sau khi kết thúc đợt 1 mới có khoảng 700 thí sinh đăng ký hồ sơ dự tuyển. Đáng lo ngại là số hồ sơ đăng ký vào ngành sư phạm năng khiếu hoặc khối các ngành ngoài sư phạm rất ít. Nhà trường hy vọng trong đợt xét tuyển tới, số lượng hồ sơ sẽ tăng lên.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đợt nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ bắt đầu từ ngày 1 đến 12-8. Các trường phải công bố kết quả trúng tuyển vào ngày 14-8. Khi đã trúng tuyển 1 hoặc nhiều ngành thì thí sinh chỉ được chọn 1 ngành học. Trước ngày 19-8, thí sinh trúng tuyển phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia 2016 về trường mình trúng tuyển. Điều này sẽ làm giảm lượng hồ sơ ảo trong các đợt xét tuyển tiếp theo.
TIẾN MẠNH - LÊ HƯƠNG