Giữ cương vị điều hành COVAX - cơ chế giúp bảo đảm việc tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng trên thế giới, những ngày này, bà Aurélia Nguyễn luôn tất bật với rất nhiều trách nhiệm.
Bà Aurélia Nguyễn tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 20.9. Ảnh: Chinhphu.vn
Trả lời phóng viên, bà Aurélia Nguyễn, Giám đốc điều hành Chương trình COVAX chia sẻ về những thách thức mà COVAX phải đối mặt trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu cuối năm nay có thể phân phối đủ lượng vaccine COVID-19 để bảo vệ cho ít nhất 20% dân số tại 91 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Làm việc khẩn trương với đội ngũ tuyệt vời
- Là giám đốc điều hành Chương trình COVAX, chúng tôi hiểu bà chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề liên quan vaccine COVID-19. Nhưng theo bà, đâu là trách nhiệm khó khăn nhất?
- Vâng, đúng là có nhiều thách thức. Chúng tôi phải làm việc rất khẩn trương, trong khi vẫn phải duy trì liên lạc chặt chẽ với các nước và đối tác để bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của họ.
Mỗi ngày tôi vui vì được bắt tay vào việc với một đội ngũ tuyệt vời - những người đều hết lòng vì mục tiêu mang lại cơ hội tiếp cận toàn cầu, bình đẳng với vaccine COVID-19.
Đã rất nhiều đêm chúng tôi làm việc đến khuya, cố gắng tìm ra giải pháp để có thể hiện thực hóa tầm nhìn của mình. Dù thế nào, tôi vẫn nỗ lực hết sức và thấy được truyền cảm hứng từ công việc chúng tôi đang làm.
Bà Aurélia Nguyễn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021 do tạp chí Time bình chọn - Ảnh: TIME
- COVAX đã phân phối được hàng trăm triệu liều vaccine COVID-19 tới hơn 140 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng chừng đó vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu của COVAX là phân phối được ít nhất 2 tỉ liều trước cuối năm nay. Xin bà chia sẻ thêm về những khó khăn COVAX gặp phải trong nỗ lực đạt mục tiêu đó và đâu là trở ngại lớn nhất?
- Tính tới hôm 28.9, chúng tôi đã phân bổ được hơn 300 triệu liều vaccine tới 142 nước trên thế giới. Chúng tôi chứng minh được rằng cơ chế của mình đã phát huy tác dụng ở một mức độ nhất định, tuy nhiên, rõ ràng còn cần thêm rất nhiều liều vaccine nữa để thế giới có thể chấm dứt giai đoạn nguy cấp của đại dịch.
Có một số lý do khiến vẫn chưa có đủ số liều vaccine cho các nước thu nhập thấp, một trong số đó là vào thời điểm COVAX có thể bắt đầu gây quỹ trong năm 2020, hầu hết nguồn cung vaccine COVID-19 của năm 2021 đã bị chính phủ các nước giàu đặt mua hết.
Chúng tôi cũng đã phải đối mặt với những thách thức khác, chẳng hạn lệnh cấm xuất khẩu vaccine của Ấn Độ, một việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung vaccine ban đầu cho chúng tôi.
Tới nay, việc sản xuất vaccine toàn cầu đã tăng lên đáng kể, số loại vaccine an toàn và hiệu quả có thể sử dụng cũng đã tăng thêm, do đó việc COVAX có thể nhận được số liều vaccine cần để phân phối theo mục tiêu của cơ chế là rất thiết yếu.
Dữ liệu: Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 - Tổng hợp: X.MAI - Đồ họa: N.K.
Mở cửa trở lại để hợp tác chống dịch
- Theo bà, bên cạnh việc nhận sự hỗ trợ từ Cơ chế COVAX, Việt Nam nên áp dụng những biện pháp nào khác để có thể nhận đủ lượng vaccine COVID-19 cần thiết phục vụ chương trình tiêm chủng đại trà?
- Ngay lúc này, chúng tôi cần sự ủng hộ của mọi chính phủ để bảo đảm chúng tôi có thể tiếp cận được số vaccine đã đặt mua từ các nhà sản xuất. Các nước tham gia Cơ chế COVAX có thể giúp chúng tôi bằng cách ủng hộ để COVAX được ưu tiên trong thứ tự được đáp ứng nguồn cung vaccine.
Các nước cũng có thể hỗ trợ bằng cách làm mọi điều có thể để bảo đảm việc phân phối vaccine được thành công. Là một thành viên trong cơ chế Cam kết thị trường mở tiên tiến COVAX, hay AMC, Việt Nam cũng như các nước khác sẽ sớm nhận được thêm nhiều vaccine COVID-19.
COVAX có thể giúp đỡ điều này, trong khi các tổ chức khác như các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới giúp các nước tiếp cận các nguồn vốn vay.
- Cùng với vaccine, từ kinh nghiệm của mình, bà có lời khuyên nào với Việt Nam về chiến lược chuẩn bị các loại thuốc điều trị COVID-19?
- Vaccine là công cụ mạnh mẽ, nhưng chúng ta cũng không thể xem nhẹ vai trò quan trọng của chẩn đoán và điều trị, những giải pháp có thể giúp kiểm soát đại dịch.
COVAX là một phần của Chương trình ACT (Access to COVID-19 Tools) Accelerator (nền tảng hợp tác đa phương nhằm phát triển nhanh, sản xuất và phân chia công bằng vaccine ngừa COVID-19, các thuốc điều trị và thiết bị chẩn đoán COVID-19 trên toàn thế giới - PV). Đây là một chương trình hợp tác để sao cho có được những chiến lược tối ưu cho cả ba giải pháp có quan hệ qua lại với nhau đó, tức vaccine, thuốc điều trị và thiết bị chẩn đoán COVID-19.
Cùng với điều này, chúng ta hiểu rằng bên cạnh vaccine cứu người thì các biện pháp như giãn cách xã hội, tránh các khu vực đông người, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, đúng cách sẽ là những điều thiết yếu để hạn chế sự lây lan của virus gây bệnh. Nếu cả ba biện pháp này được tuân thủ, chúng ta sẽ được trang bị tốt để đối phó đại dịch.
Bà Aurélia Nguyen - Ảnh: Gavi/Tony Noel
- Là giám đốc điều hành Cơ chế COVAX, đâu là những điều trong khả năng và quyền hạn của bà có thể hỗ trợ Việt Nam về vấn đề vaccine COVID-19?
- COVAX được thành lập để hỗ trợ tất cả các thành viên tham gia AMC, trong đó có Việt Nam và bảo đảm để vaccine đến được với những người cần nó nhất. Mặc dù chúng tôi đã đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung, chúng tôi tin sẽ có đủ lượng vaccine sẵn sàng trước cuối năm nay để bảo vệ ít nhất 20% dân số tại 91 quốc gia tham gia AMC và tới cuối tháng 3.2022 sẽ có đủ để bảo vệ gần 40% dân số này.
- Từ quan điểm của mình, bà cho rằng chiến lược ứng phó đợt bùng dịch COVID-19 thứ 4 của Việt Nam đã hợp lý chưa?
- Thật tuyệt vời khi thấy Việt Nam đang ưu tiên tiêm chủng và đã đạt được các mức độ phủ vaccine cao vì như chúng ta đều biết, trong vấn đề bảo vệ mọi người trước virus, không ai an toàn cho tới khi tất cả an toàn.
Điều này cũng có nghĩa mọi quốc gia, trong đó có những nước đang tiến nhanh hơn trong các chiến lược tiêm chủng của họ, vẫn luôn cần thận trọng và sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp y tế cộng đồng cần thiết để ngăn chặn virus lây lan.
Cách duy nhất giúp chúng ta có thể đánh bại virus này về lâu dài và cho phép các xã hội cũng như các nền kinh tế có thể mở cửa trở lại là hợp tác với nhau chống dịch.
Cha tôi sinh tại Việt Nam |
1 trong số 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021 |
Theo Tuổi trẻ