Sáng 17.6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên khẳng định không có bức cung vụ giết nữ sinh giao gà.
Khi được hỏi về lời khai của các bị cáo tại phiên phúc thẩm ngày 16.6 rằng có bức cung nhục hình, ông Sùng A Hồng nói: "Phải khẳng định không có. Trong quá trình điều tra, ngay từ ban đầu đã có sự tham gia giám sát chặt chẽ của viện kiểm sát, nhất là đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như thế này. Như tôi đã nói, việc khai là quyền của bị can, bị cáo trước tòa".
"Nhưng các bị cáo khai bị đánh trước khi hỏi cung?". Ông Hồng cho hay trong quá trình điều tra, kể cả giai đoạn trinh sát, tố tụng khi có vụ án xảy ra, cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì viện kiểm sát đã giám sát.
Mặt khác, để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với một bị can đều có sự tham gia giám sát của viện kiểm sát.
"Việc ra tòa khai là quyền của bị can, bị cáo nhưng tôi ví dụ, Bùi Văn Công là một trong những chủ mưu nhưng ra tòa lại khai không tham gia, không biết gì. Tôi đã theo dõi, thấy nhân dân rất bức xúc, có thái độ, biểu lộ khác nhau nhưng tựu trung là không đồng tình", Giám đốc Công an Điện Biên nói thêm.
Chia sẻ thêm về quá trình điều tra vụ án giết nữ sinh giao gà, thiếu tướng Hồng cho biết trong số các bị cáo, bị cáo Lả khai báo sớm nhất nhưng cũng phải mất 1-2 tuần. Còn bị cáo lâu nhất cũng phải mất 2-3 tháng mới khai trên cơ sở những chứng cứ không chối cãi được.
"Do đó không có chuyện ép cung, nhục hình ở đây. Tôi nói ví dụ, ép cung nhục hình không thể có chuyện 7 ngày, 1 tháng hay 2 tháng mới khai", thiếu tướng Hồng chia sẻ.
Nói về việc một số bị cáo, gia đình bị hại cho rằng còn hung thủ liên quan đến vụ án chưa bị bắt, thiếu tướng Sùng A Hồng cho biết cơ quan điều tra phải xem xét toàn diện, trên cơ sở chứng cứ.
"Tôi chưa nghe trực tiếp nhưng có đọc trên báo thấy anh Hường (bố của nạn nhân Cao Mỹ Duyên) nêu về việc còn hung thủ nhưng khi báo chí hỏi lại, ông này lại nói là suy luận của mình.
Nhưng như tôi nói, cơ quan điều tra phải điều tra toàn diện, khách quan, trên cơ sở tài liệu chứng cứ và kết luận theo những tài liệu chứng cứ để làm rõ bản chất vụ án chứ không có chuyện suy luận", ông Hồng nói.
Giám đốc Công an Điện Biên chia sẻ thêm, chứng cứ có nhiều loại như trực tiếp, gián tiếp, thật, giả... Do đó, quá trình điều tra, cơ quan công an đã xem xét rất kỹ, thậm chí họp liên ngành để thẩm định, đánh giá chứng cứ.
"Trên cơ sở tài liệu chứng cứ để đưa ra kết luận xử lý các đối tượng. Cho nên những đối tượng này, trước sau quan điểm của cơ quan điều tra là cứng rắn, phải xử lý nghiêm minh. Căn cứ vào nhân thân, bản thân các bị cáo có rất nhiều tiền án, tiền sự, do đó cơ bản không có tình tiết xem xét giảm nhẹ", ông Hồng cho biết.
Theo Tuổi trẻ