“Doanh nghiệp ưu tiên” (DNƯT) là chương trình quan trọng của ngành hải quan trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất nhập khẩu,
giảm bớt tiền kiểm để chuyển sang hậu kiểm
Thông quan nhanh hơnNgày 1-8 vừa qua, Công ty TNHH May Tinh Lợi ở khu công nghiệp (KCN) Nam Sách đã được công nhận DNƯT về hải quan. Đây là doanh nghiệp thứ 4 trên địa bàn tỉnh được công nhận DNƯT, sau các Công ty TNHH: Brother Việt Nam, Sumidenso Việt Nam và Điện tử UMC. Những doanh nghiệp này có độ rủi ro thấp; thực hiện tốt pháp luật về thuế, hải quan; có chế độ báo cáo minh bạch; hoạt động kinh doanh hiệu quả; thanh toán qua ngân hàng đối với tất cả các hàng hóa xuất, nhập khẩu; thực hiện thủ tục hải quan điện tử; có kim ngạch xuất khẩu lớn... Trong hơn 17.500 doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan Hải Phòng hiện mới có 6 doanh nghiệp được công nhận DNƯT. Ở phạm vi cả nước hiện mới có 52 doanh nghiệp thuộc diện này.
Chế độ DNƯT tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp như: miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; được thực hiện hải quan điện tử 24 giờ tất cả các ngày trong tuần, hoàn thuế trước, thanh khoản trước, kiểm tra sau; khai hải quan một lần để xuất, nhập khẩu nhiều lần, không kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp... Vì vậy, doanh nghiệp sẽ rút ngắn đáng kể thời gian thông quan các lô hàng xuất, nhập khẩu, giảm chi phí lưu container, kho bãi, cảng, nhân lực đi lại, chủ động lấy hàng, giao hàng... đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các thủ tục thanh khoản, hoàn thuế cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn. Là DNƯT sẽ nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp với khách hàng, các tổ chức tín dụng. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập ngày càng sâu rộng.
Hiệu quả thấy rõ qua thực tế ở những DNƯT đợt đầu tiên. Với Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (KCN Phúc Điền) chuyên sản xuất, xuất khẩu các loại máy in, máy fax, các thiết bị điện tử... thời gian thông quan hàng hóa giảm 10.780 phút/tháng, tương đương với gần 180 giờ/tháng, đồng thời giảm chi phí khoảng 1.200 USD/tháng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh... Còn ông Vũ Ngọc Linh, Tổng Trưởng phòng Hành chính nhân sự (Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam) cho biết, từ khi được công nhận DNƯT, doanh nghiệp này đã giảm thời gian thông quan một lô hàng từ 1 - 2 giờ xuống chỉ còn 30 - 45 phút và giảm chi phí khoảng 1.700 USD/tháng.
Theo đại diện Công ty TNHH Điện tử UMC Việt Nam (KCN Tân Trường), từ năm 2014 được công nhận DNƯT, doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí và lợi ích lớn nhất là chủ động kế hoạch sản xuất, bảo đảm 100% đơn hàng giao đúng tiến độ cho khách hàng.
Duy trì, mở rộng DNƯTÔng Bùi Quý Lạc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hải Dương cho biết, lợi thế của DNƯT khi hội nhập sẽ rất lớn bởi sắp tới Hải quan Việt Nam sẽ tham gia Chương trình DNƯT (AEO) do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) tổ chức. Sau khi Việt Nam ký kết thỏa thuận hoặc hiệp định về chương trình này, các nước sẽ công nhận DNƯT lẫn nhau. Điều đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất, nhập khẩu hàng hóa và gia tăng sức cạnh tranh của những doanh nghiệp này trên thị trường. Sau khi được công nhận DNƯT, phần lớn doanh nghiệp đều tận dụng được các lợi thế và cơ hội thuận lợi để mở rộng đầu tư, gia tăng quy mô hoạt động, phát triển mạnh mẽ so với trước đó.
Nhiều doanh nghiệp đang phấn đấu được công nhận và duy trì DNƯT. Theo Chi cục Hải quan Hải Dương, Công ty TNHH Aiden Việt Nam (KCN Nam Sách) đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận DNƯT về hải quan. Đây là một doanh nghiệp chế xuất thực hiện tốt pháp luật về thuế, hải quan; có chế độ báo cáo minh bạch; thanh toán qua ngân hàng đối với tất cả các hàng hóa xuất, nhập khẩu; thực hiện thủ tục hải quan điện tử; có kim ngạch xuất khẩu lớn... Theo đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam, doanh nghiệp đã hạn chế tối đa việc sửa chữa tờ khai. Việc kiểm soát chứng từ, hồ sơ cũng được hệ thống hóa và ứng dụng các biện pháp chuyên nghiệp để dễ dàng quản lý, tìm kiếm. Doanh nghiệp tích cực tập huấn, đào tạo cho nhân viên chuyên môn để nâng cao chất lượng làm việc. Công ty thường xuyên nghiên cứu, cập nhật những cam kết tại bản ghi nhớ với cơ quan hải quan để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về DNƯT... Công ty yêu cầu các bộ phận liên quan DNƯT trong quá trình thực thi nhiệm vụ chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nâng cao nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân. Tăng cường kiểm soát nội bộ, nhất là kiểm soát chặt chẽ các chứng từ, hợp đồng, kế hoạch xuất hàng, ngày giờ thông quan hàng hóa... để khai báo hải quan phù hợp.
Công ty TNHH May Tinh Lợi chuyên sản xuất, xuất khẩu mặt hàng dệt kim, dệt len... sang các thị trường chủ lực như EU, Nhật Bản, Mỹ... Từ năm 2009 đến nay, công ty luôn là 1 trong 10 doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất cả nước. Với 2 nhà máy sản xuất ở các KCN Nam Sách và Lai Vu, doanh nghiệp đang thu hút gần 14.000 lao động. Ông Jo Shu Tak Alfred, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết, Chương trình DNƯT sẽ giúp tăng sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu hàng dệt may thế giới. Doanh nghiệp cam kết sẽ luôn tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, giữ vững uy tín, thương hiệu của DNƯT.
Để Chương trình DNƯT phát huy hiệu quả hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đề nghị các ngành hải quan sớm nghiên cứu giảm bớt điều kiện để mở rộng diện DNƯT, tạo chuyển biến mạnh từ quy trình hải quan kiểm soát chặt chẽ sang giao quyền cho doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, giảm bớt tiền kiểm để chuyển sang hậu kiểm...
THÀNH LONG