Dự kiến, sau sắp xếp, sáp nhập, chia tách thôn, khu dân cư (KDC), số người hoạt động không chuyên trách toàn tỉnh giảm 548 người, từ 6.443 người xuống còn 5.895 người.
Đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21.1.2018 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; dự thảo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của tỉnh
Đa số người dân ủng hộ
Tờ trình về kết quả cuộc giám sát lần thứ nhất việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, KDC trên địa bàn tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) nêu rõ, sau sắp xếp thôn, KDC, dự kiến số người hoạt động không chuyên trách toàn tỉnh giảm 548 người.
Qua khảo sát, toàn tỉnh có 10 thôn thuộc 10 xã tại 5 huyện có quy mô lớn đề nghị chia tách; 264 thôn, KDC không đủ tiêu chuẩn 50% quy mô hộ gia đình và 79 thôn, KDC liên quan phải sáp nhập. Trên cơ sở đó, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng đề án sắp xếp (73 xã, phường, thị trấn xây dựng đề án sáp nhập thôn, KDC; 10 xã xây dựng đề án chia tách thôn). Nhìn chung, đề án của các xã, phường, thị trấn đã bám sát đề cương hướng dẫn, bảo đảm chất lượng và đầy đủ nội dung theo yêu cầu.
Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ủy ban MTTQ tỉnh, cơ bản theo hình thức cử tri đại diện hộ gia đình. Tổng số có 291 thôn, KDC lấy ý kiến cử tri. Trong đó, 202 thôn, KDC thuộc diện sáp nhập và 79 đơn vị liên quan; 10 thôn đề nghị chia tách.
Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri. Kết quả, 285 đơn vị được nhân dân đồng tình ủng hộ, nơi đồng ý cao nhất là 100%, thấp nhất là 52%. Riêng huyện Bình Giang có 3 thôn: Ngọc Mai (xã Hưng Thịnh), Quang Tiền (xã Bình Minh), Tào Khê (xã Thúc Kháng) đã lập đề án sáp nhập với 3 thôn liên quan và tổ chức lấy ý kiến cử tri của 6 thôn nhiều lần, song tỷ lệ đều không đạt trên 50% theo quy định.
Sau khi lấy ý kiến cử tri, HĐND của 83 xã, phường, thị trấn đã thông qua đề án sắp xếp thôn, KDC. Trong đó, 10 xã có thôn chia tách và 42 xã, phường, thị trấn có thôn, KDC thuộc diện sáp nhập thông qua kỳ họp HĐND thường kỳ; 31 xã, phường, thị trấn thông qua kỳ họp bất thường. Các huyện, thành phố: Chí Linh, Thanh Miện, Ninh Giang và Gia Lộc có 100% cấp xã thông qua kỳ họp HĐND thường kỳ.
Đến nay, đối với các địa phương đã hoàn thành việc thông qua HĐND cấp xã về Đề án sáp nhập, chia tách thôn, KDC, các huyện, thành phố đang hoàn thiện hồ sơ gửi về Sở Nội vụ thẩm định. Dự kiến, sau sắp xếp, số người hoạt động không chuyên trách toàn tỉnh giảm 548 người, từ 6.443 người xuống còn 5.895 người.
Có địa phương thiếu quyết tâm thực hiện
Qua giám sát cho thấy, bên cạnh những địa phương làm tốt vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp huyện và cơ sở còn lúng túng về phương pháp trong triển khai thực hiện các bước. Công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở có lúc, có nơi chưa thực sự tích cực, chưa sâu rộng, nắm tình hình nhân dân chưa sát, cá biệt có nơi có biểu hiện nóng vội, thiếu thận trọng... nên quá trình triển khai thực hiện ở một số cơ sở chưa được nhân dân đồng tình ủng hộ cao, gặp nhiều khó khăn như ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Bình Giang, Tứ Kỳ.
Một số đơn vị có số lượng thôn, KDC chưa đủ 50% tiêu chuẩn về quy mô hộ gia đình song đề nghị không sáp nhập còn nhiều. Có 58 trong tổng số số 264 thôn, KDC không đủ 50% tiêu chuẩn quy mô hộ gia đình, các huyện, thành phố đề nghị không sáp nhập do vị trí địa lý biệt lập, tập quán sinh hoạt, tôn giáo khác biệt... TP Hải Dương có 19 thôn, KDC; Cẩm Giàng có 20 thôn, KDC; TP Chí Linh có 6 thôn, KDC; các huyện Gia Lộc, Ninh Giang, Bình Giang, mỗi nơi có 3 thôn, KDC; Tứ Kỳ có 2 thôn, KDC; các huyện Thanh Hà, Kim Thành, mỗi nơi có 1 thôn, KDC.
Tờ trình nêu rõ, cùng với nguyên nhân khách quan như thời gian thực hiện gấp, nhận thức và tâm lý của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngại thay đổi về hồ sơ giấy tờ hành chính, về chế độ chính sách, lo lắng về phong tục tập quán, sinh hoạt... thì một số ban thường vụ huyện ủy, thành ủy chưa quyết liệt chỉ đạo, thiếu quyết tâm thực hiện. Phương pháp, cách làm chưa khoa học. Đặc biệt, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số cơ sở còn tư tưởng cục bộ địa phương, ngại va chạm, ngại làm, có tư tưởng ỷ lại cho rằng nếu nhân dân không đồng tình thì không phải sáp nhập. Một số cán bộ hoạt động không chuyên trách có tâm lý băn khoăn phải nghỉ công tác do dôi dư khi thực hiện sáp nhập, không tích cực tham gia tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Quan tâm hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách dôi dư
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đọc tờ trình về kết quả cuộc giám sát lần thứ nhất việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, KDC trên địa bàn tỉnh
Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ giao cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện và chỉ đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy tiếp tục chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập đối với các thôn, KDC còn lại theo phương án để trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm kết hợp với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 24.12.2018 của Bộ Chính trị.
Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc thẩm định, phê duyệt các đề án sắp xếp thôn, KDC theo quy định; rà soát, điều chỉnh quy định mức phụ cấp, khoán số lượng, định mức kinh phí chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, KDC; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị-xã hội và thôn, KDC trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ các thôn, KDC sau khi sáp nhập, chia tách để xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.
Các huyện ủy, thành ủy khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện các hồ sơ theo quy định trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quy định. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương sắp xếp thôn, KDC, nhất là những nơi hiện nay nhân dân chưa đồng tình và những nơi tuy đã đồng tình nhưng tỉ lệ còn chưa cao để tạo được sự đồng thuận ủng hộ hơn nữa trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động của thôn, KDC sau khi được thành lập mới, tạo tinh thần đoàn kết, phấn khởi và sự ổn định tình hình ở cơ sở. Có phương án bố trí người hoạt động không chuyên trách và giải quyết kịp thời, đầy đủ về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi thôn, KDC mới được thành lập và đi vào hoạt động...
Đối với các thôn, KDC chưa đủ 50% tiêu chuẩn về quy mô hộ gia đình nhưng đề nghị không sáp nhập, các huyện, thành phố, nhất là TP Hải Dương và huyện Cẩm Giàng cần tiếp tục rà soát, đánh giá, phân tích điều kiện cụ thể của từng đơn vị để xác định rõ những thôn, KDC cần phải tiếp tục thực hiện sáp nhập để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo quy định...
PV - THÀNH CHUNG