Giảm 30% thuế thu nhập: Liệu có giúp doanh nghiệp vượt khó?

15/07/2020 16:01

Việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho kỳ nộp thuế năm 2020 hầu như không có tác dụng đối với đa phần doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vì nhiều doanh nghiệp làm ăn không có lãi hoặc đã ngừng hoạt động.


Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp

Ngày 19.6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 cho doanh nghiệp (DN) có tổng doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng. Liệu chủ trương này có thực sự giúp DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19?

Động viên doanh nghiệp

Chính sách này được áp dụng đối với các DN, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN.

Theo đánh giá của ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh, việc giảm 30% thuế TNDN cho các DN có tổng doanh thu dưới 200 tỷ đồng trong năm 2020 giúp DN có thêm nguồn lực tài chính duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Trung Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và In NSP (TP Hải Dương) cũng đồng tình với chủ trương này và cho rằng trong bối cảnh các DN chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19, việc Quốc hội đồng ý giảm 30% thuế TNDN thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng DN, nhất là những DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh việc được giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, giãn nợ, giảm lãi ngân hàng theo các nghị quyết của Chính phủ, việc được giảm 30% thuế TNDN của năm 2020 sẽ giúp DN có thêm động lực, tự tin vượt qua khó khăn. Đặc biệt, khi DN duy trì được sản xuất, người lao động sẽ có việc làm, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cùng với Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8.4.2020 về việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho DN, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Nghị quyết của Quốc hội giảm 30% thuế TNDN thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với DN, có tác dụng động viên DN vượt khó, duy trì sản xuất chờ cơ hội vươn lên.

Theo tính toán sơ bộ của Cục Thuế tỉnh, việc giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với DN có doanh thu trong năm 2020 từ 200 tỷ đồng trở xuống sẽ làm giảm thu ngân sách tỉnh từ 80 - 120 tỷ đồng. Mặc dù khoản hụt thu này ảnh hưởng không nhỏ đến thu, chi ngân sách năm 2020 của tỉnh nhưng lại có tác dụng nuôi dưỡng nguồn thu, tạo niềm tin của DN vào Nhà nước. 

Ít tác dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hiện tại, toàn tỉnh có 12.611 DN, tổ chức đang hoạt động. Lũy kế đến hết tháng 6, có 562 DN, tổ chức tạm ngừng hoạt động có thời hạn. Đặc biệt, có tới 2.039 DN, tổ chức đã bị đóng mã số thuế và 6.633 DN, tổ chức không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh hoặc chờ làm thủ tục giải thể. "Sức khỏe" của DN thực sự có vấn đề khi gần 5.200 DN báo lỗ trong khi chỉ có 3.251 DN báo lãi trong kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2019. Từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng DN tạm ngừng hoạt động tăng 25% và DN xin giải thể tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về ngành hóa mỹ phẩm ở TP Hải Dương cho rằng, việc giảm 30% thuế TNDN kỳ nộp thuế năm 2020 theo nghị quyết của Quốc hội là cần thiết nhưng lại chỉ phù hợp với những DN đang làm ăn có lãi (chiếm số lượng nhỏ trong tổng số DN đang hoạt động). Đa phần DN trên địa bàn Hải Dương có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Do tác động của dịch Covid-19, những DN này đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều DN phá sản, giải thể. Những DN còn tồn tại được cũng chịu cảnh thua lỗ, không phát sinh thuế nên chủ trương này không có tác dụng nhiều.

Theo ông Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh, giảm 30% thuế TNDN cho kỳ nộp thuế năm 2020 hầu như không tác dụng đối với đa phần DN trên địa bàn tỉnh, chỉ phù hợp với những DN đang làm ăn có lãi. Nguyên nhân vì hầu hết DN đã chịu thiệt hại do đại dịch, sản xuất, kinh doanh thua lỗ triền miên nên không phát sinh thuế. “Giải pháp thiết thực nhất là hỗ trợ trực tiếp cho những khoản thuế đầu vào như thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, giảm hoặc giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất ngân hàng, nới lỏng điều kiện cho vay… Có như vậy DN mới thành lập, DN nhỏ và vừa mới đủ sức tồn tại để vượt qua khó khăn”, ông Hải kiến nghị.

Ông Đoàn Văn Nghệ cho rằng, giảm 30% thuế TNDN chỉ có tác dụng động viên về mặt tinh thần, không có tác dụng đối với nhiều DN. “Điều DN cần nhất lúc này là điều kiện vay phải được nới lỏng. Các khoản nợ cũ phải được giãn, khoanh lại. Đặc biệt, một số loại thuế có thể miễn hoặc giảm là thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất… để DN dồn lực phục hồi sản xuất”, ông Nghệ đề xuất.


VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm 30% thuế thu nhập: Liệu có giúp doanh nghiệp vượt khó?