Tính đến 30/10/2024, số biên chế công chức, viên chức đã giảm theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ là 16.149 người, trong đó bộ, ngành giảm 217 người, địa phương giảm 15.932 người.
Bộ Nội vụ cho biết theo Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị (về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026), Quy định số 70-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị) và Quyết định số 73-QĐ/TW (về biên chế của các bộ; cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các đơn vị sự nghiệp, hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương giai đoạn 2022-2026), thống nhất trong quản lý và đến hết năm 2026 số biên chế tối đa bằng số Bộ Chính trị đã phê duyệt, bảo đảm theo lộ trình tinh giản biên chế của giai đoạn 2022-2026.
Căn cứ các quy định này, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2023; báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để trình Bộ Chính trị cho phép điều chuyển, bổ sung biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Tại các quyết định giao biên chế giai đoạn 5 năm (2022-2026) cho các cơ quan của hệ thống chính trị, đã thực hiện giảm 5% biên chế công chức; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Bộ Nội vụ đã thẩm định số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính tại 29 bộ, ngành giai đoạn 2022-2026, giảm 17.736 biên chế, tương ứng giảm 14,84% so với số biên chế giao năm 2021.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với việc phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Tính đến 30/10/2024, số biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương đã giảm theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).
Các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã sử dụng đúng số biên chế được giao, không vượt quá số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan thuộc diện hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương khẩn trương xây dựng đề án, văn bản quy định liên quan đến sắp xếp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Ban Chỉ đạo Chính phủ cho ý kiến và Bộ Chính trị trước ngày 31/12/2024.
Bộ Nội vụ cũng chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan tham mưu trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm cơ sở để thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhạy cảm, song với sự thống nhất về nhận thức và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, đến nay đã cơ bản hoàn thành các đề án để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương.
Qua đó, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý quan trọng cho việc sắp xếp, giảm số lượng các bộ, sở, phòng và cơ cấu tổ chức bên trong tinh gọn theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; đồng thời tập trung xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trình cấp thẩm quyền theo kế hoạch.
Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy (tính đến ngày 30/10/2024), tại 63 tỉnh, thành phố tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện, lũy kế đến nay, giảm 13 sở và tương đương; 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, nhận thức, trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế.
Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian là việc khó, đụng chạm đến lợi ích của tổ chức và cá nhân, đây là việc rất phức tạp và nhạy cảm nên một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện. Sự phối hợp giữa một số bộ, ngành trong việc tham mưu, ban hành quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa hiệu quả.
VN (theo TTXVN)