Giải thưởng thông tin đối ngoại: Nhân lên khát vọng và tự hào Việt Nam

29/03/2023 13:29

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX sẽ tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại và góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh của đất nước.


Buổi họp báo phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX diễn ra ngày 29.3 (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 29.3, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức họp báo phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX.

Giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh những tác giả, tác phẩm, sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại và góp phần tăng cường quảng bá thành tựu phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, điểm lại những thành tựu nổi bật của đất nước trên một số lĩnh vực trong năm 2022 đồng thời nhấn mạnh rằng Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Giải thưởng cần phản ánh đầy đủ sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại vào việc xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân và bạn bè quốc tế vào Việt Nam, huy động mọi nguồn lực từ bên ngoài, kết hợp với sức mạnh nội tại để phục vụ cho các mục tiêu phát triển đất nước trong năm 2023,” ông Lê Hải Bình cho biết.


Ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tại buổi họp báo phát động giải thưởng (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nói về một số điểm đặc biệt của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, ông Lê Hải Bình cho rằng thứ nhất, đối tượng tham gia giải thưởng với nhiều thành phần khác nhau như phóng viên, nhà nghiên cứu, nhạc sỹ, ca sỹ… Như vậy, bất kỳ ai có tình yêu tha thiết với Việt Nam đều có thể tham dự cuộc thi.

Tiếp đó, ban đầu cuộc thi dường như chỉ dành cho giới báo chí, xuất bản, nhưng trong 3 mùa giải gần đây có hạng mục khá đặc biệt là sản phẩm truyền thông mới là clip và sáng kiến ý tưởng giúp lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Cuối cùng là giải thưởng có Hội đồng chấm giải theo dõi, phát hiện, chủ động lựa chọn những tác phẩm quảng bá hình ảnh Việt Nam tham gia giải thưởng. Trong những năm trước, có những tác giả người nước ngoài đã rất ngạc nhiên và xúc động khi Ban tổ chức liên hệ thông báo rằng họ có tác phẩm đoạt giải.

“Đã từ vài năm nay, tự thân lễ trao giải thưởng thông tin đối ngoại cũng là một sự kiện thông tin đối ngoại. Bởi lẽ tại đó khát vọng và niềm tự hào người Việt Nam được nhân lên. Tại đó, những lực lượng làm thông tin đối ngoại được tôn vinh và tại đó người Việt Nam ở nước ngoài cũng như người nước ngoài ở Việt Nam cũng thấy là họ đang được sống với sức sống của đất nước này,” ông Lê Hải Bình bày tỏ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Hải Bình cho hay số lượng tác phẩm tham dự giải thưởng ngày càng tăng qua các năm, do đó Ban tổ chức sẽ xem xét nới rộng cơ cấu giải thưởng cũng như tăng giá trị giải thưởng để lan tỏa uy tín, chất lượng giải và có sự đánh giá tương xứng cho những tác phẩm có hiệu quả cao về thông tin đối ngoại.

Trong lời nhắn gửi đến Ban tổ chức giải thưởng, anh Kyril Ivan Whittaker, tác giả của bài viết về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trên Tạp chí Cộng sản (Communist Review) của Anh giành giải khuyến khích trong Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII khẳng định quyết tâm giành giải thưởng cao hơn trong mùa giải năm nay.

“Tôi sẽ tiếp tục sản xuất các bài viết về Việt Nam và đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Tôi rất có hứng thú nghiên cứu lịch sử, văn hóa, chính trị Việt Nam. Ở đó có những tư tưởng có thể là ánh sáng dẫn đường cho vấn đề mà các quốc gia khác trên thế giới đang cùng đối mặt,” anh Whittaker chia sẻ.

Trước mắt, Thông tấn xã Việt Nam sẽ chuyển dịch thể lệ Giải thưởng sang nhiều thứ tiếng, đăng phát trên các nền tảng thuộc Thông tấn xã Việt Nam cũng như là nền tảng của các đơn vị báo chí chủ lực như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân. Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ chuyển thông tin đến Bộ Ngoại giao, các cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam trên thế giới cũng như các hãng thông tấn nước ngoài, các tổ chức quốc tế để thu hút được sự tham gia đông đảo của các tác giả gửi bài dự thi.


Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang giới thiệu về bộ ảnh với ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại và ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trải qua 8 mùa giải thành công, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại đã khẳng định được uy tín và chất lượng chuyên môn đồng thời mở ra không gian sáng tạo cho đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại trong nước và ngoài nước.

Giải thưởng cũng đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các tác giả/ nhóm tác giả là Việt kiều, người nước ngoài, trong đó nhiều người có tác phẩm/ sản phẩm đoạt giải cao.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn trong công tác tuyên truyền nói chung, công tác thông tin đối ngoại nói riêng, đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và sự phát triển năng động của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX xét tặng các tác phẩm, sản phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài ở các hạng mục: (1) Báo in tiếng Việt; (2) Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt; (3) Báo in tiếng nước ngoài; (4) Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài; (5) Phát thanh; (6) Truyền hình; (7) Ảnh (gồm ảnh báo chí và ảnh phong cảnh); (8) Sách; (9) Video clip và (10) Các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại; được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản, phát hành, công bố và áp dụng ở trong và ngoài nước trong thời gian từ ngày 1.7.2022 đến hết ngày 30.6.2023.

Thời hạn cuối cùng nhận tác phẩm là ngày 31.7.2023 (theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận tác phẩm: Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ (Thông tấn xã Việt Nam), Phòng 301, số 11 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Điện thoại: 024. 39330540. Email: giaithongtindoingoailan9@gmail.com.

Tại lễ phát động giải thưởng, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bộ ảnh “Ấm áp tình người tại tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ” do nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện tại tỉnh Hatay, nơi được ví như ‘thành phố ma” sau trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2 vừa qua. Hai phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau thảm họa đã ghi lại những hình ảnh ấn tượng, đầy tính nhân văn với mong muốn truyền đi thông điệp: “Thảm họa đi qua, tình người còn mãi” và niềm tin người dân đất nước này sẽ vượt lên mất mát, đau thương để tái thiết và phục hồi.

Ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng khi xem bộ ảnh, bất cứ người Việt Nam nào cũng cảm thấy tự hào, xúc động và chút gì đó nghẹn ngào. “Giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam được bộc lộ trong đại dịch COVID-19 lại một lần nữa được thể hiện trên trường quốc tế.”

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Giải thưởng thông tin đối ngoại: Nhân lên khát vọng và tự hào Việt Nam