Do có nhiều khó khăn, bất cập kéo dài nên cả hệ thống chính trị và nhân dân cần vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ để tạo chuyển biến rõ rệt trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Mỗi ngày, Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) thu gom, xử lý khoảng 50 tấn rác thải sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Lan
Kết quả điều tra xã hội học phục vụ cuộc giám sát chuyên đề gần đây của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thấy 89% số người được hỏi cho biết các điểm tập kết rác gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân. 77% số người được khảo sát phản ánh các điểm tập kết rác gây mất mỹ quan. 93% số người yêu cầu rác thải sinh hoạt phải được xử lý tại các nhà máy rác tập trung…
Những con số trên đã phản ánh mức độ rất quan tâm, trong đó có cả những bức xúc của người dân liên quan tới công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Từ lâu, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập ở tất cả các công đoạn, từ việc phân loại rác tại nguồn, đưa rác ra điểm tập kết, thu gom, đến vận chuyển, xử lý.
Dù phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều tác dụng song đến nay toàn tỉnh mới có hơn 50.700 hộ dân ở 50 xã, thị trấn của 5 huyện (Nam Sách, Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng) thực hiện việc này.
Phần lớn các điểm tập kết, trung chuyển rác thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Việc vận chuyển rác thải từ điểm tập kết tới bãi chôn lấp hoặc nhà máy xử lý chưa bảo đảm vệ sinh. Một lượng lớn rác thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại các bãi rác ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều bãi rác đã đầy, bị đốt trộm, khoảng cách tới khu dân cư không bảo đảm, thiếu biện pháp bảo đảm môi trường nên là những khu vực gây ô nhiễm khiến nhân dân bức xúc.
Khối lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt ở 3 nhà máy trong tỉnh dù đã được nâng dần lên, song nhìn chung vẫn còn thấp hơn so với nhu cầu. Người dân sống gần nhà máy xử lý rác thải ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) đã nhiều lần nêu ý kiến về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường ở đây.
Việc đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung cấp vùng, cấp huyện chưa có chuyển biến. Một số nơi có chủ trương thu hút đầu tư nhà máy mới song bị người dân phản đối do lo ngại gây ô nhiễm môi trường. Do đó, đến nay, toàn tỉnh vẫn chỉ có 3 nhà máy xử lý chất thải rắn được đặt tại huyện Thanh Hà và Bình Giang.
Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực trạng trên dẫn đến hậu quả là ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt còn xảy ra. Tình hình khiếu kiện, kiến nghị của nhân dân về thu gom, xử lý rác khá nhiều và kéo dài.
Để giải quyết hiệu quả “bài toán khó” về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, nhân dân cần tích cực vào cuộc, thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết. Một biện pháp quan trọng là đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn để giảm áp lực xử lý rác. Vừa qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Nam Sách đã triển khai quyết liệt việc phân loại rác tại nguồn, gắn với xử lý rác, đóng cửa các bãi rác cũ. Những kinh nghiệm bước đầu hiệu quả của huyện Nam Sách cần được nhiều nơi khác học tập, nhân rộng.
Trong xử lý rác tại nhà máy, vấn đề đặt ra là tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư mở rộng, nâng công suất nhà máy tại địa điểm đã có, song phải bảo đảm không gây ô nhiễm; đồng thời có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư mới, thực hiện dự án ở một số vị trí mới song phải bảo đảm khoảng cách tới khu dân cư và đặc biệt là có công nghệ thực sự sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có công nghệ xử lý rác hiện đại, thân thiện với môi trường và có thể sử dụng rác vào một số mục đích khác (tạo ra điện năng, làm vật liệu xây dựng, phân bón…). Tăng cường xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng biện pháp đốt tại các nhà máy sẽ giảm lượng rác phải chôn lấp tại các bãi rác, hướng tới việc tất cả lượng rác thải rắn được xử lý tại các nhà máy tập trung, quy mô lớn.
TUẤN NGUYÊN