Giải quyết các ý kiến, kiến nghị phải bảo đảm chính xác, kịp thời

15/12/2016 20:42

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn yêu cầu giải quyết các ý kiến, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại phải bảo đảm chính xác, kịp thời.




Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn phát biểu kết luận hội thảo


Sáng 15-12, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện “Quy chế tiếp xúc, đối thoại (TXĐT) trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh”.

Đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh và đồng chí Đặng Việt Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ  tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo một số xã, phường, thị trấn và đại diện nhân dân các huyện Cẩm Giàng, Kinh Môn, TP Hải Dương.

Hơn 1 năm qua, việc thực hiện "Quy chế TXĐT trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh" bước đầu đã đi vào nền nếp. Thông qua TXĐT đã giúp cho các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành rà soát, điều chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành ngày càng sát với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ sở... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy chế đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là, việc tổ chức TXĐT ở một số nơi chưa toàn diện và đồng bộ; hình thức, nội dung, cách thức tổ chức xây dựng kế hoạch, lấy ý kiến nhân dân còn sơ sài; thông báo thời gian đối thoại chưa rộng rãi. Nội dung, hình thức TXĐT ở một số địa phương, cơ sở chưa đúng trọng tâm, trọng điểm. Một số người đứng đầu chủ trì TXĐT chưa nắm chắc tình hình của địa phương, dẫn đến kết quả TXĐT không cao. Nhiều ý kiến đã được giải quyết vẫn tiếp tục kiến nghị tại hội nghị cấp cao hơn...

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, thực hiện quy chế. Một số ý kiến đề nghị Tỉnh ủy cần đưa việc thực hiện quy chế thành nền nếp, thường xuyên và lấy đó làm một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền hằng năm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn đối với việc xử lý các nội dung sau TXĐT, từ đó nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trước nhân dân; cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí hằng năm chi cho hội nghị TXĐT ở cơ sở; chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan xem xét, kịp thời giải quyết những vấn đề nhân dân nêu ra tại hội nghị nhưng vượt thẩm quyền giải quyết của cơ sở...

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn lưu ý một số nội dung cần quan tâm về TXĐT trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nguyên tắc tổ chức thực hiện quy chế. Cụ thể hóa các khâu, các bước để tổ chức thực hiện quy chế cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, cơ sở. Lựa chọn địa bàn có những vấn đề bức xúc cần giải quyết; nắm chắc tình hình, dư luận nhân dân, xây dựng kế hoạch chi tiết; chuẩn bị nội dung, phương pháp lấy ý kiến của nhân dân cho phù hợp với từng địa phương, cơ sở. Định rõ thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng, chương trình cuộc tiếp xúc cho phù hợp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan chuyên môn, chuyên trách, tham mưu giúp cho cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp thu, giải trình, giải quyết. Tại cuộc tiếp xúc, không nhất thiết phải giải quyết các ý kiến kiến nghị tại chỗ nhưng phải tiếp thu đầy đủ. Việc giải quyết phải theo tinh thần khẩn trương, nhưng không nóng vội, bình tĩnh nhưng không chậm chạp, bảo đảm chính xác kịp thời, rõ ràng nội dung, trách nhiệm. Sau khi kết thúc TXĐT, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải có thông báo kết luận bằng văn bản gửi đến Ban Dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị cùng cấp, các tổ chức, cá nhân có ý kiến, kiến nghị để các tổ chức, cá nhân thực hiện vai trò giám sát. Ở mỗi cấp, ít nhất mỗi năm có 1-2 cuộc đối thoại định kỳ, căn cứ vào tình hình thực tế sẽ thực hiện đối thoại đột xuất. Khuyến khích tổ chức TXĐT nhiều hơn ở các cấp, các ngành...  

PV

(0) Bình luận
Giải quyết các ý kiến, kiến nghị phải bảo đảm chính xác, kịp thời