Giải pháp tinh giản biên chế

25/05/2018 13:20

Thảo luận tại hội trường sáng 25.5 về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề xuất một số vấn đề Chính phủ cần quan tâm.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn kết quả thực hiện các mục tiêu về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy. Ảnh: TTXVN

Ông Thăng cho rằng cơ cấu chi trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017, triển khai dự toán NSNN năm 2018 đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tỷ lệ chi thường xuyên của năm 2017 so với tổng chi NSNN là 62%, thấp hơn so với năm 2016 (63,5%), đồng thời tỷ lệ chi đầu tư phát triển cũng được nâng lên. Đây là một tín hiệu đáng mừngtrong bối cảnh động lực tăng trưởng chính và quan trọng của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào đầu tư, tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, mức chênh lệch về năng suất lao động giữa nước ta với các nước tiếp tục gia tăng. 

Tuy nhiên, chi thường xuyên vẫn tăng 1,2% so với dự toán, tỷ lệ chi thường xuyên mà chủ yếu là chi cho con người vẫn ở mức cao so với tổng chi NSNN. Vì vậy, chúng ta cần có nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả nhằm giảm chi thường xuyên hơn nữa, để giành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Một trong những giải pháp quan trọng đã được khẳng định rõ trong mục tiêu của Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này, thu hút người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. 

Thực tế cho qua 2 năm thực hiện mục tiêu này theo Kết luận số 17 của Bộ Chính trị, tinh giản biên chế của các tổ chức chính trị - xã hội năm 2015- 2016, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017 - 2021 cho thấy về tổng thể chưa đạt được chỉ tiêu, yêu cầu đã đề ra. Tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ NSNN còn ở mức cao, trong đó số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố còn rất lớn. Chi thường xuyên cho hoạt động của bộ máy ngày càng cao tăng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách. Đáng lưu ý là tổng số viên chức, người lao động hưởng lương từ NSNN trong các đơn vị sự nghiệp công lập rất lớn, trong khi đó tinh giản biên chế khu vực Nhà nước, thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP"Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập" của Chính phủ chưa đáp ứng được yêu cầu để tiết kiệm chi thường xuyên, cơ cấu lại ngân sách. Việc ban hành các văn bản liên quan còn chậm, cơ quan chủ quản chưa quyết liệt trong việc giao tự chủ hoặc giao chưa triệt để theo quy định. Việc thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn lúng túng trong xác định lộ trình, lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong từng năm nên hiệu quả đạt được chưa cao; còn một số đơn vị quản lý nhà nước nhưng được hưởng cơ chế đặc thù như đơn vị sự nghiệp công lập là không hợp lý. Tính đến hết năm 2016 còn 42.146 đơn vị sự nghiệp được NSNN bảo đảm toàn bộ kinh phí, bằng 73,7% số lượng đơn vị sự nghiệp; chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn, kinh phí NSNN cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm trên 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỷ đồng), tăng 2,2% so với năm 2016. 

Theo ông Thăng, nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên do chủ quan là chính. Nhiều người đứng đầu, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nên quyết tâm chính trị không cao, tổ chức thực hiện không quyết liệt, còn có tư tưởng ngại khó, ngại va chạm, sợ mất quyền lợi. 

Ông Thăng bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với quyết tâm cao của Chính phủ đã được khẳng định trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, giải pháp trọng tâm năm 2018 đã nêu: "Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".  Để khắc phục hạn chế nêu trên và thực hiện cho được mục tiêu về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, bộ máy, giảm chi thường xuyên, ông Thăng đề xuất một số giải pháp: 

- Trong báo cáo kết quả phát triển kinh tế- xã hội hằng năm, đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn kết quả thực hiện các mục tiêu về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo đó, cần chỉ rõ các bộ ngành, địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là mục tiêu về giảm biên chế đã xác định rõ từng năm cho tới năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% bảo đảm đến 2021 giảm ít nhất 10% tổng biên chế được giao. 

- Cần khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

Trước mắt là sửa đổi, bổ sung và ban hành các nghị định quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để làm căn cứ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở các địa phương. 


- Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là giáo dục đại học, cao đẳng, dạy nghề; các cơ sở khám chữa bệnh; sự nghiệp khoa học, kỹ thuật. Kiên quyết thực hiện lộ trình chuyển phí thành giá dịch vụ phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí; đôn đốc, quyết liệt hơn trong chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn còn thiếu, chưa đồng bộ để đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ.

- Cùng với triển khai quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế nhằm có chính sách thỏa đáng hơn cho những người trong diện tinh giản biên chế, nhất là những người có nguyện vọng xin nghỉ chế độ do sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn. 

- Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu của Trung ương về vấn đề này. Coi đây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Không đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phụ trách công tác tổ chức nhân sự thực hiện không nghiêm các giải pháp nhằm giảm biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách. 

- Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với việc thực hiện Nghị quyết. Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 56 về việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, với các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và lộ trình thực hiện rất cụ thể. Để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết. 

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp tinh giản biên chế