Giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh: Bài 5: Phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử

23/12/2020 15:28

Thời gian qua, Hải Dương đặc biệt quan tâm, coi việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) là nhiệm vụ trọng tâm, chủ đạo trong giai đoạn hiện nay.


Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn và chuyển giao phần mềm đánh giá, chấm điểm mức độ chính quyền điện tử cấp huyện và cấp xã

Ngành thông tin và truyền thông đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin (CNTT) 1.0 của tỉnh, hạ tầng kỹ thuật, các ứng dụng nền tảng và ứng dụng dùng chung cho CQĐT; các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; quan tâm phát triển nguồn nhân lực CNTT... Xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh tích hợp với Cổng Thanh toán trực tuyến và kết nối với Cổng Dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Hệ thống "một cửa điện tử" đã được triển khai đồng bộ và thống nhất trong toàn tỉnh; xây dựng và bước đầu đưa vào sử dụng “Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu - LGSP” của tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã được triển khai đồng bộ đến cấp xã, bảo đảm kết nối gửi nhận liên thông văn bản điện tử giữa các đơn vị trong tỉnh và đã được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia. Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai cấp được trên 1.700 chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trong tỉnh. Triển khai hệ thống thư điện tử công vụ với hơn 7.000 tài khoản của cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đã tập trung đầu tư, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, triển khai các ứng dụng chuyên ngành thống nhất trên quy mô toàn tỉnh…

Năm 2019, theo đánh giá chỉ số xếp hạng sẵn sàng ứng dụng CNTT ICT index, Hải Dương xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2018; chỉ số ứng dụng CNTT, phát triển chính phủ điện tử xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc.

Việc ứng dụng CNTT của tỉnh Hải Dương trong quản lý, điều hành đã được triển khai và có những kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường làm việc và hiện đại hóa nền hành chính. Mặc dù vậy, việc ứng dụng CNTT trong thời gian qua vẫn còn chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các ứng dụng chuyên ngành còn rời rạc, manh mún; thông tin, dữ liệu còn trùng lặp, không thống nhất, đồng bộ do triển khai ứng dụng qua nhiều giai đoạn; dẫn đến tình trạng cát cứ dữ liệu, không chia sẻ, dùng chung trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Ứng dụng phục vụ người dân còn tương đối nghèo nàn, hiệu quả chưa cao.

Trước bối cảnh và xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi việc xây dựng và phát triển hạ tầng, dịch vụ CNTT, CQĐT phải đáp ứng được các yêu cầu cao hơn trong thời gian tới.

Dự báo xu hướng phát triển của công nghệ trong 10 năm tới sẽ thay đổi lớn hơn trong 250 năm qua, dữ liệu sẽ là tài sản mới, được coi là “dầu mỏ” cho sự phát triển. Sử dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IoT), di động 5G... để đẩy nhanh số hóa, giúp người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào quá trình ra quyết định của các cấp ủy đảng, chính quyền vào chỉ đạo, điều hành, quản trị xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã thay đổi nhận thức cũng như phương thức điều hành, làm việc, trong đó việc ứng dụng CNTT là rất quan trọng... Do đó, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ CNTT, CQĐT là một trong 3 công trình, dự án trọng điểm của nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai đồng bộ các giải pháp, ứng dụng phục vụ chỉ đạo điều hành của chính quyền, cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, người dân trên môi trường mạng.

Mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu cơ bản xây dựng thành công nền tảng CQĐT của tỉnh; trong đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển CQĐT gắn kết với đô thị thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số và nền kinh tế số, thích ứng với đà phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo định hướng nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Báo cáo chính trị trình Đại hội.

Để đạt mục tiêu này, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT; xây dựng nền tảng công nghệ phát triển chính quyền số của tỉnh phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ số. Tập trung triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 cũng như Kiến trúc đô thị thông minh của tỉnh; xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030: CNTT phải luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; chuyển từ “một cửa” cố định sang “một cửa” bất kỳ, tức là có thể tiếp nhận hồ sơ, công việc và xử lý ở bất cứ đâu trên môi trường mạng. Cung cấp dịch vụ công cho người dân nhanh hơn, tiện ích hơn, chi phí thấp hơn qua hình thức trực tuyến. Hoàn thành tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; phấn đấu đến năm 2025 đạt 50% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống CNTT được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin từ cấp tỉnh tới cơ sở; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng thành nền tảng số phục vụ CQĐT, khai thác vận hành các hạ tầng và nền tảng dùng chung. Xây dựng Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh tỉnh Hải Dương. Đây là trung tâm thực hiện giám sát, điều hành tất cả các lĩnh vực như y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh... phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền của tỉnh và cung cấp các dịch vụ CQĐT cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Xây dựng nền tảng ứng dụng Smart-Hải Dương cài đặt trên điện thoại thông minh để mọi người dân, doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ CQĐT của tỉnh. Phấn đấu mỗi gia đình có một đường internet cáp quang tốc độ cao theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tăng cường hạ tầng CNTT, thực hiện bảo vệ an toàn thông tin 4 lớp của các cơ quan chính quyền theo quy định.

 NGUYỄN CAO THẮNG
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông


(0) Bình luận
Giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh: Bài 5: Phát triển hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử