Nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh luôn quan tâm phát triển hệ thống giao thông.
Bài 1: Tạo đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Hải Dương cần có quy hoạch phát triển giao thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông tổng thể, phù hợp. Trong ảnh: Cầu Mây hoàn thành góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Nhiều dự án, công trình được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, hiện đại, mang tính đột phá như đường trục Bắc - Nam, đường 62 m kéo dài đến nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Mây… Cùng với đó là các dự án kết nối giữa Hải Dương và các tỉnh, thành phố bạn như dự án cầu Triều kết nối thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) với thị xã Kinh Môn; cầu Dinh kết nối huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) với thị xã Kinh Môn; cầu Quang Thanh kết nối huyện An Lão (TP Hải Phòng) với huyện Thanh Hà... Hạ tầng giao thông nông thôn cũng cơ bản phát triển hoàn thiện, từ năm 2015 đến nay đã hỗ trợ đầu tư xây dựng được 2.437 km đường giao thông nông thôn các loại.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, để hoàn thành mục tiêu: “Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu” - một trong ba đột phá chiến lược, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông tổng thể phù hợp với địa phương.
Hải Dương hiện có trên 12.000 km đường bộ, trên 400 km đường thủy nội địa và trên 60 km đường sắt. Thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, Hải Dương đang triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quy hoạch phát triển giao thông vận tải là một thành phần quan trọng. Để đạt mục tiêu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông tổng thể cần định hướng phát triển hệ thống giao thông phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ Hải Dương trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Rà soát quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020, xem xét mạng lưới tuyến, đánh giá tuyến đường nào trọng yếu cần tiếp tục thực hiện, loại bỏ các tuyến không đáp ứng yêu cầu và bổ sung các tuyến đường bảo đảm điều kiện để xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, liên thông giữa các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Kết nối hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh với các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Thứ hai, đầu tư nâng cấp mạng lưới đường tỉnh, dự án kết nối vùng tỉnh đồng bộ, hiện đại bảo đảm phát triển liên thông.
Trên cơ sở hoàn thiện đồng bộ, hiện đại quy hoạch với tầm nhìn xa, giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh cần đầu tư nâng cấp trọng tâm vào hệ thống đường tỉnh đã xuống cấp, quá tải không đáp ứng được lượng phương tiện ngày càng gia tăng. Trong đó, đầu tư các tuyến, đoạn tuyến để tăng quy mô như cải tạo nâng cấp đường tỉnh 389 đoạn km0 - km9+390 thành đường cấp III để kết nối liên thông từ quốc lộ 18 qua cầu Triều, cầu Mây đến quốc lộ 5. Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh390 đoạn km31 - km37+500 và cầu Hợp Thanh tương ứng đường cấp III để kết nối liên thông từ quốc lộ 19 qua cầu Quang Thanh, cầu Hợp Thanh, thị trấn Thanh Hà ra quốc lộ 5. Nâng cấp đường tỉnh 391 lên cấp III để kết nối liên thông từ quốc lộ10 về TPHải Dương ra quốc lộ 5...
Xây dựng các tuyến kết nối, tuyến mới như đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện phục vụ cho phát triển công nghiệp khu vực phía nam của tỉnh; đường tỉnh 397 kết nối tỉnh Bắc Ninh với quốc lộ 37 (đầu cầu Bình - cầu Kênh Vàng); đường tỉnh 392 kéo dài (kết nối thị trấn Tứ Kỳ đến đường dẫn đầu cầu Quang Thanh đi Hải Phòng)...
Thứ ba, huy động đa dạng các nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Thực hiện đa dạng các nguồn lực đầu tư như huy động nguồn lực từ nhân dân, từ Trung ương và hợp tác với các tỉnh bạn; các nguồn lực từ tỉnh, huyện...
Thứ tư, các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Rút ngắn thời gian làm các thủ tục đầu tư bằng việc sớm xác định sự cần thiết đầu tư và lựa chọn tư vấn một lần cho các bước: chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công.
Hiện nay, theo Luật Đầu tư công, các thủ tục từ khi lập chủ trương đầu tư đến khi khởi công xây dựng cần phải thực hiện khoảng 165 thủ tục (không kể giải phóng mặt bằng). Do vậy, thông thường cần thời gian chuẩn bị từ 9 tháng đến 1năm. Đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt còn phải có thêm ý kiến thẩm định của các bộ, ngành Trung ương nên thời gian chuẩn bị đầu tư sẽ phải dài hơn từ 3-6 tháng. Để bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật và rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư cần xác định danh mục và thời gian chuẩn bị đầu tư, thời gian hoàn thành công trình trong quy hoạch chiến lược và quy hoạch giao thông của tỉnh. Các chủ đầu tư cần xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai dự án làm căn cứ để thực hiện và kiểm điểm tiến độ. Lựa chọn tư vấn một lần để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng song song với thời gian làm các thủ tục đầu tư để có mặt bằng sạch thi công ngay sau khi hoàn thành các thủ tục. Nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án, công tác tư vấn và thi công phù hợp với quy mô, tính chất của từng dự án. Các dự án đầu tư xây dựng trục đường Bắc - Nam, đường 62 m kéo dài đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đầu tư xây dựng cầu Mây... là những công trình trọng điểm của tỉnh hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng. Quyết định đến kết quả này có thể thấy rõ vai trò của công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công là hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, giá trị và tiến độ thi công xây dựng công trình. Do vậy, nâng cao năng lực quản lý dự án và lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công chuyên nghiệp, phù hợp với quy mô, tính chất dự án thông qua các giải pháp về đấu thầu là những điều kiện tiên quyết quyết định đến hiệu quả đầu tư xây dựng.
LÊ QUÝ TIỆP
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải