Giải pháp nào tiết kiệm tiền điện ngày nắng nóng?

15/07/2021 07:19

Bộ Công thương khuyến cáo các gia đình tắt bớt các thiết bị không sử dụng, không nên sử dụng cùng lúc các thiết bị điện có công suất lớn như: điều hòa, bếp đun điện…

Theo dự báo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự báo trong tháng 7 này, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống điện quốc gia sẽ ở mức 785,3 triệu kWh/ngày, công suất tiêu thụ lớn nhất toàn hệ thống quốc gia ước khoảng 43.000 MW.

Nắng nóng cùng với việc người dân sinh hoạt tại gia đình nhiều khả năng sẽ đẩy mức tiêu thụ điện của các hộ tăng cao. Bộ Công thương khuyến cáo các gia đình tắt bớt các thiết bị không sử dụng, không nên sử dụng cùng lúc các thiết bị điện có công suất lớn như: điều hòa, bếp đun điện… để đảm bảo hiệu quả sử dụng điện


Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Trị (Tổng Công ty Điện lực miền Trung) thu thập, cập nhật dữ liệu thông tin khách hàng dùng điện trên địa bàn TP Đông Hà. Ảnh minh họa

Lo ngại tiền điện

Gia đình chị Nguyễn Thu Trang ở phố Bạch Mai, Hà Nội vừa nhận được hoá đơn tiền điện tháng 5.2021, với số tiền phải trả là hơn 4 triệu đồng, trong khi bình thường mỗi tháng nhà chị Trang chỉ trả khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng.

Theo chị Thu Trang, nắng nóng kéo dài cùng với việc 3 đứa con nhỏ được nghỉ học, sử dụng nhiều các thiết bị điện như điều hòa, ti vi… nên gia đình cũng đoán được tiền điện sẽ tăng. Chắc chắn khi nhận hóa đơn điện tháng tiếp theo, mức tiêu thụ cũng ở mức cao.

Anh Nguyễn Anh Tú ở phố Lương Yên cho biết, những tháng trước, mỗi tháng gia đình chỉ tiêu thụ hết từ 600.000-700.000 đồng tiền điện, nhưng từ hóa đơn tháng 5, tiền điện đã lên tới gần 2 triệu đồng. Gia đình cũng không bất ngờ, nhưng lo nhiều hơn, vì dịch bệnh, cửa hàng kinh doanh bị buộc phải đóng cửa để thực hiện chống dịch nên nguồn thu nhập không có.

Theo các chuyên gia về kỹ thuật điện, việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như: điều hòa không khí tăng mạnh, dẫn đến tiền điện tăng. Trên thực tế, các gia đình có sử dụng máy lạnh, máy điều hòa nhiệt độ sẽ thấy rõ việc sử dụng điện và tiền điện tăng lên rất nhiều. Những hộ ít sử dụng điều hòa, chủ yếu là sử dụng quạt thì mức tăng tiền điện sẽ là không nhiều.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu điện tăng cao do các tỉnh miền Bắc, miền Trung trải qua giai đoạn thời tiết nắng nóng rất khắc nghiệt khi nhiệt độ nhiều nơi cao hơn 40 độ C. Trong khi đó, mực nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đang xuống thấp vào cuối mùa khô, gây nên nguy cơ sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện...

Trong tháng 6 vừa qua, sản lượng điện sản xuất bình quân đạt 796,7 triệu kWh/ngày; trong đó, sản lượng ngày lớn nhất đạt 880,3 triệu kWh (ngày 1.6), với công suất phụ tải lớn nhất đạt 42.146 MW (ngày 21.6).

Trên cơ sở nhận định xu thế thời tiết theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nhiều ngày nắng nóng, có nơi có nắng nóng gay gắt đến đặc biệt gay gắt, đại diện EVN dự báo, “trong tháng 7.2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống điện quốc gia dự kiến ở mức 785,3 triệu kWh/ngày, công suất tiêu thụ lớn nhất toàn hệ thống điện Quốc gia ước khoảng 43.000 MW”.

Theo ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nắng nóng là một nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ điện tăng cao, bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ việc giá điện được tính theo bậc thang.  

Minh bạch để không còn khiếu nại

Với tình hình thời tiết nắng nóng tại miền Bắc, miền Trung, cùng với hiệu ứng nhà kính và đô thị, tiêu thụ điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Theo ông Lê Ánh Dương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội trong thời gian qua luôn duy trì ở mức từ 36 - 38 độ C, cá biệt có những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ đã “vượt” mốc 40 độ C, thậm chí nhiệt độ đo được tại mặt đường lên đến 60 độ C. Nắng nóng  khiến cho nhu cầu sử dụng điện tại Hà Nội tăng cao đột biến, với việc sử dụng liên tục các thiết bị làm mát ở cường độ rất cao.

Trước đây, mỗi dịp nắng nóng, tiêu thụ điện tăng cao, EVN liên tục nhận được khiếu nại, các cuộc gọi yêu cầu xử lý về hóa đơn, công tơ điện. Tuy nhiên, từ khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, lắp đặt công tơ điện từ và cung cấp nhiều tiện ích hỗ trợ khách hàng, số lượng các cuộc gọi này đã giảm đi đáng kể.

Thông tin từ EVN cho hay, số lượng các yêu cầu giải quyết của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện trong 6 tháng đầu năm 2021 đã giảm hơn 50% so với cùng thời điểm 2020, chỉ còn chiếm khoảng 3% tổng số yêu cầu. Bởi, Tập đoàn đã ứng dụng các tiện ích bao gồm: theo dõi sản lượng điện hàng ngày, công cụ ước tính lượng điện năng tiêu thụ, lắp đặt công tơ điện tử, áp dụng công cụ rà soát chỉ số bất thường…

Những tiện ích này đã giúp minh bạch số liệu tới khách hàng. Từ đó, giúp khách hàng dễ dàng theo dõi và kiểm soát sản lượng điện tiêu thụ.  Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục đưa công nghệ vào ứng dụng để hỗ trợ khách hàng theo dõi chỉ số, minh bạch thông tin sử dụng điện đến khách hàng. Điều này nhằm giảm tối đa những khiếu nại, yêu cầu liên quan đến hóa đơn, công tơ điện.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay, người dân đã có thể dễ dàng theo dõi mức tiêu thụ điện của gia đình hàng giờ, hàng ngày qua các kênh hỗ trợ của ngành điện. Điều này là rất tốt, giúp người sử dụng giảm đáng kể sự “băn khoăn” mỗi lần nhận hóa đơn.

Tuy nhiên, dự báo tiêu thụ điện có thể tiếp tục tăng cao đột biến nên EVN khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khi bật điều hoà chỉ nên đặt ở mức 27 độ C trở lên và nên sử dụng kết hợp với quạt, vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ.

Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, người dân cũng không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện; đồng thời, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với ngày bình thường.

Về phía Bộ Công thương, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay, Cục đã yêu cầu EVN thực hiện tốt việc ghi chỉ số công tơ; kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ và thông tin kịp thời đến khách hàng sử dụng điện. Cùng đó, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và giải quyết các vụ việc về áp giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở.

Bộ Công thương cũng khuyến cáo các hộ gia đình, cơ quan, công sở, doanh nghiệp và người dân sử dụng điện áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện; tắt bớt các thiết bị không sử dụng, không nên sử dụng cùng lúc các thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, bếp đun điện… để đảm bảo hiệu quả sử dụng điện.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải pháp nào tiết kiệm tiền điện ngày nắng nóng?