Trong 20 năm trở lại đây, nguồn nước của suối Côn Sơn đã bị suy giảm mạnh, vào mùa khô hầu như không có dòng chảy, còn vào mùa mưa thì chỉ khi mưa rất lớn mới có dòng chảy.
Suối Côn Sơn
Ngày 5.10, tại chùa Côn Sơn thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc (TP Chí Linh), Viện Thủy công (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy suối Côn Sơn thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc."
Tại Hội thảo, nhóm thực hiện đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy suối Côn Sơn thuộc khu di tích Đền thờ Nguyễn Trãi tỉnh Hải Dương" đã đánh giá, phân tích hiện trạng về dòng chảy suối Côn Sơn và đưa ra giải pháp khôi phục lại dòng suối.
Suối Côn Sơn có chiều dài khoảng 5 km nằm giữa khu vực núi Côn Sơn và núi Ngũ Nhạc, sau đó chảy về hồ Côn Sơn.
Trước kia, suối chảy quanh năm nhưng gần đây do biến đổi về địa chất, môi trường, nguồn nước suy giảm nên dòng suối không được duy trì thường xuyên.
Theo khảo sát, dòng suối Côn Sơn đã bị suy giảm nhiều trong khoảng 20 năm trở lại đây. Hiện nay, suối hầu như không có dòng chảy vào mùa khô. Còn vào mùa mưa, chỉ khi mưa lớn mới có dòng chảy.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, có 4 nhóm nguyên nhân chủ yếu khiến suy giảm nguồn nước ở suối Côn Sơn.
Trước hết, do mực nước ngầm suy giảm khoảng 40m ở các vùng xung quanh dãy núi Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc.
Theo khảo sát của Viện Khoa học địa chất khoáng sản, lượng mưa trung bình năm không có nhiều khác biệt. Nhưng khảo sát thực địa cho thấy, độ sâu của các giếng khoan trong những năm qua ngày càng tăng. Nếu như năm 1993 chỉ cần khoan sâu 20m hiện nay có nơi phải khoan sâu tới hơn 70m mới có nước.
Cùng với đó, với sức ép gia tăng dân số địa phương, sự phát triển của công, nông nghiệp nên người dân đã sử dụng nguồn nước ngầm nhiều hơn cho tưới tiêu và sinh hoạt, phần nào khiến mực nước ngầm bị hạ thấp.
Ngoài ra, những đứt gãy về địa chất cũng tạo nên các bậc thác có độ cao 2-3m đã khống chế sự hình thành suối.
Một nguyên nhân nữa là thảm phủ thực vật suy giảm 17% so với giai đoạn trước ảnh hưởng đến việc không đủ giữ và cung cấp nước ngầm cho toàn bộ khu vực.
Việc duy trì dòng suối Côn Sơn có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa tâm linh và gìn giữ cảnh quan khu di tích.
Để duy trì dòng chảy suối mà vẫn giữ được nguyên gốc của cảnh quan, môi trường di tích, về lâu dài, các nhà khoa học đề xuất 6 giải pháp.
Cụ thể là tái tạo thảm phủ thực vật; sử dụng nguồn nước mặt thay thế khai thác nước ngầm; khôi phục mực nước ngầm; xây dựng các chủ trương, chính sách, giải pháp khoa học; tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về bảo vệ rừng và nguồn nước ngầm; xây dựng ao điều tiết nước ở thượng nguồn… Tuy nhiên, giải pháp này cần lượng kinh phí lớn và thực hiện trong thời gian dài.
Vì thế, trước mắt, để tạo dòng chảy của suối Côn Sơn đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của người dân nhất là trong 2 dịp lễ hội mùa Thu và mùa Xuân hàng năm, các nhà khoa học đề xuất đưa nước lên thượng nguồn để nước chảy xuống dưới suối; trám bịt những khe nứt dọc suối hạn chế tổn thất nước; xây dựng đập ngầm trên suối giữ nước và bổ sung nước ngầm; nước chảy trên suối bị giữ lại bởi đập ngầm sẽ thu về hồ bán nguyệt (nguồn cấp) nhằm tái tạo, tiết kiệm nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cho rằng, cần có quan trắc thêm về mực nước ngầm mùa khô, mùa mưa để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, đơn vị nghiên cứu cần tính toán kỹ, định lượng các yếu tố tác động để khi triển khai giải pháp sẽ vừa đảm bảo dòng chảy cho suối vừa hài hòa về mặt cảnh quan, môi trường di tích…
Có ý kiến cho rằng nên tính toán cân bằng nước, mức độ thẩm thấu nước, trên cơ sở đó, xây dựng hồ treo để tạo dòng chảy cho suối vào mùa kiệt.
Việc bảo vệ cảnh quan trong khu di tích, bảo đảm tuyệt đối tính nguyên gốc của di sản, trong đó, có khôi phục dòng chảy của suối Côn Sơn đã được UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đặc biệt quan tâm.
Năm 2013, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí, đặt hàng đề tài cấp tỉnh về nghiên cứu lưu trữ nguồn nước và duy trì dòng chảy cho suối Côn Sơn. Tuy vậy, đề tài đã không được thực hiện do không có đơn vị tham gia vì mức độ phức tạp, vượt tầm của một đề tài cấp tỉnh.
UBND tỉnh đã đề nghị các cơ quan chuyên môn Trung ương tham gia. Sau đó, tỉnh đặt hàng đề tài với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Thủy công và Viện Khoa học địa chất khoáng sản đã được lựa chọn thực hiện đề tài.
Theo TTXVN