MU đang bay cao tại Premier League mùa này và một trong những nhân tố giúp họ thăng hoa chính là các màn ngược dòng đầy ấn tượng.
Chiến thắng 3-2 trước Fulham ở Ngoại hạng Anh mới đây giúp MU thiết lập nhiều cột mốc đáng nhớ. Quỷ đỏ không chỉ là đội kiếm về nhiều điểm nhất khi bị dẫn bàn tại Premier League mùa này, mà còn là đội có thành tích ngược dòng tốt thứ 3 trong lịch sử giải đấu (7 trận), đứng sau chính họ mùa 2012/13 (9 trận) và Newcastle 2002/03 (10 trận).
Tuy nhiên, điều đặc biệt là cột mốc mà MU 2012/13 và Newcastle 2002/03 tạo ra đến trong cả mùa, trong khi MU hiện tại mới đi qua được nửa chặng đường ở mùa 2020/21. Mùa này, đoàn quân của huấn luyện viên Ole Gunnar Solskjaer đã bỏ túi 21 điểm từ các trận lội ngược dòng, tất cả đều đến ở sân khách. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà có một cái gì đó mang tính xu hướng.
Trong quá khứ, MU dưới thời Sir Alex Ferguson nổi tiếng với khả năng lội ngược dòng cũng như ghi các bàn thắng muộn. Thế nhưng, ở mùa 2020/21, Quỷ đỏ rõ ràng đang làm chủ khả năng này, thậm chí, đưa nó vươn tới mức độ độc đáo. Vậy tại sao MU hiện tại lại rất giỏi ở khoản lội ngược dòng? Và tại sao Quỷ đỏ "cần" bị dẫn bàn trước để rồi giật lại chiến thắng?
Sau thắng lợi ngược dòng 3-1 của MU trước West Ham hôm 5.12, có thể khả năng đảo ngược thế cờ của Quỷ đỏ bắt nguồn từ sức mạnh trên hàng công, và nguồn sức mạnh ấy phải bọc lót cho sự mỏng manh tiềm tàng nơi hàng thủ.
Bản thân Solskjaer cho rằng chuyện chơi trên "sân nhà" hoặc "sân khách" trong bối cảnh cấm cửa cổ động viên như hiện tại không phải là yếu tố then chốt, song có một thực tế rằng các câu lạc bộ Premier League thường chơi chủ động hơn trên sân nhà, để lộ ra nhiều khoảng trống hơn ở phía sau, tạo điều kiện cho các pha phản công chết người vốn là sở trường của MU.
Solskjaer hay đề cập đến từ "nhanh" khi mô tả về cách MU tấn công, nhưng trước màn đả bại Liverpool tại FA Cup, nhà cầm quân người Na Uy đã cung cấp thêm chi tiết về cái "sự nhanh" trong lối chơi của Quỷ đỏ nêu trên được phát triển.
"Tất nhiên các cầu thủ đầy rạo rực, nhưng đó cũng là cách chúng tôi muốn tấn công nhanh chóng. Không phải lúc nào bạn cũng phải tấn công nhanh, đó là quyết định bạn phải đưa ra vào thời điểm đó. Tất nhiên, nó nằm trong DNA của chúng tôi rằng nếu nhìn thấy có thể chuyền, hãy làm điều đó thật tốt.
Tôi nghĩ chúng tôi thực hiện các đường chuyền chưa đủ tốt. Một số pha bứt tốc có thể sung quá, đặc biệt tại Anfield (Solskjaer đang đề cập đến trận hòa 0-0 với Liverpool ở Ngoại hạng Anh tuần trước đó, nơi MU đã bị thổi phạt việt vị 8 lần)", Solskjaer chia sẻ.
Nói theo cách này, có vẻ như Solskjaer cùng đội ngũ trợ lý muốn dạy các học trò làm những gì họ cảm thấy tốt nhất trong tình huống xung quanh họ, tạo cảm giác rằng ông dường như đang huấn luyện nhận thức tình huống trong các bài tập tấn công của MU, thay vì thúc ép chúng thành thói quen quy định.
Nếu theo dõi MU thi đấu sau giờ nghỉ mùa này, chúng ta có thể sẽ nhận ra cầu thủ đang cầm bóng sẽ chuyền cho ai, hoặc lúc nào họ sẽ chuyền bóng. Solskjaer dường như giao phó các cầu thủ đột phá ra phía sau hàng thủ đối phương, rồi kế đến đưa ra quyết định chính xác để ghi bàn.
Đây có thể là lý do tại sao các cá nhân của MU có xu hướng cải thiện khi họ chạy nhiều hơn, cũng như lý do tại sao Bruno Fernandes lại trở nên quan trọng đến vậy (khi một cầu thủ không biết quyết định chính xác là gì, họ có thể sẽ tiếp tục dốc bóng, cầm bóng trước khi tìm cách thử thực hiện đường chuyền).
Một ví dụ điển hình về cách thức hoạt động của điều này đã được thể hiện rõ ở bàn thắng vào lưới Brighton hồi tháng 6 năm ngoái. Tình huống khởi đầu từ việc Nemanja Matic chuyền bóng vào khoảng trống cho Mason Greenwood băng xuống.
Hãy nhìn vào vị trí khoanh tròn của Fernandes (dưới cùng của ảnh), Anthony Martial (ngoài cùng bên phải) và Marcus Rashford (ở giữa, gần Matic nhất) vì có một sự khác biệt tinh tế trong cách MU tấn công nhanh so với các đội khác ở hàng đầu của Premier League.
Bàn thắng này không phải là một pha dàn xếp được sắp đặt từ trước: Matic không biết Greenwood sẽ làm gì khi tiền đạo trẻ này có bóng, và anh được giao nhiệm vụ đưa ra quyết định chính xác khi chạy đến 1/3 cuối sân đối phương. Nhiệm vụ của phần còn lại trong đợt tấn công của MU là cung cấp cho Greenwood các lựa chọn khi anh đến đó (1/3 cuối sân đối phương).
Và khi Greenwood đã tới nơi, vài điều thú vị đã xảy ra: Rashford và Martial đã hỗ trợ rất tốt cho Greenwood trên hàng công, nhưng, không giống như các đội khác cố gắng tấn công nhanh (đặc biệt là hàng công phía Tottenham của Jose Mourinho), cặp đôi này đã chạy xuống cùng một tuyến, thay vì cố gắng tránh nhau và chọn các hướng khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều hậu vệ đối phương hơn. Trong khi đó, Fernandes đang bắt đầu chuyển hướng chạy đến vào trung lộ nhiều hơn.
Đây là một pha phản công có hệ thống của MU. Hệ thống ở đây chính là... không có hệ thống gì cả. Chẳng có đường chạy nào được soạn sẵn và không có bất kỳ hướng dẫn nào về việc các mũi nhọn tấn công chạy đến đâu. Các cầu thủ được tin tưởng để tìm ra đường đi nước bước của chính họ.
Điều đó có nghĩa khi Greenwood đã xâm nhập vào 1/3 cuối sân đối phương, Fernandes cũng đã chạy vào trung lộ (đồng thời ra dấu xin bóng) và điều này cung cấp cho Greenwood lựa chọn tốt nhất. Chân sút 19 tuổi thực hiện đường chuyền chuẩn xác cho Fernandes, giúp tiền vệ người Bồ Đào Nha lập công ấn định thắng lợi 3-0 cho MU trước Brighton.
Đây là bàn thắng từ phản công tuyệt vời từ MU, và các yếu tố tự do chính là mấu chốt tạo ra điều này. Bóng được đưa từ trái sang phải nhanh chóng và thực hiện đường chuyền chính xác vào đúng thời điểm. Điều thú vị là cách Quỷ đỏ bắt đầu thiết lập các phương án tổ chức bổ sung vào cùng một kế hoạch. Trận hòa 0-0 trước Liverpool tại Anfield ở Ngoại hạng Anh chứng kiến Luke Shaw thực hiện một tình huống chồng biên với Rashford ở cánh trái nhằm tạo ra cơ hội kiểu "căng ngang trong vòng cấm" - vốn rất được Man City ưa chuộng.
Một số trong những đợt tấn công nhanh này có thể thành công do tính chất tự do hơn của các bước di chuyển. Một ví dụ quan trọng là pha chạy chỗ của Rashford ngày hôm đó tại Anfield. Đó là thay vì nhả bóng cho Edinson Cavani hoặc Paul Pogba, Rashford lại cố gắng đi bóng để rồi bị Fabinho phong tỏa, và gần như lâm vào đường cùng. Tuy Rashford thất bại ở pha bóng này, nhưng các đợt tấn công nhanh của MU thường mang mục đích linh hoạt và tin tưởng vào người cầm bóng để đưa ra quyết định chính xác, qua đó tạo ra bàn thắng.
Vậy tất cả những điều này có liên quan gì đến thành tích của MU sau khi bị đối thủ dẫn bàn trước? Có lý do chính đáng để tin rằng Quỷ đỏ bớt do dự hơn ở khâu tấn công vào thời điểm đang bị dẫn bàn. Thay vì cố gắng đưa ra các quyết định "tốt" trong các pha tấn công này, cầu thủ chỉ cần bắt đầu thực hiện theo cách "đủ tốt để ghi bàn". Việc thua thiệt trên bảng tỷ số sẽ giúp MU xóa bỏ mục tiêu đề ra và có thể giúp đơn giản hóa các quy trình tấn công. Tức là, tấn công làm sao nhanh, đơn giản nhất để có bàn gỡ thay vì chăm chút, chỉn chu.
Hãy xem tất cả điều này kết hợp với nhau như thế nào ở bàn gỡ của MU khi họ bị Liverpool dẫn trước 1-0 vào Chủ nhật. Sau khi Pogba đoạt được bóng ở rìa vòng cấm, Donny van de Beek thực hiện một đường chuyền rất nhanh sang trái cho Rashford.
Kế hoạch ở trận đại chiến này là Rashford cùng Greenwood sẽ hoạt động rộng và di chuyển nhanh khi có thể. Nhìn vào cách di chuyển của các cầu thủ MU khác khi Rashford nhận bóng ở nửa sân: một lần nữa, họ đang cố gắng di chuyển từ cầu môn đội nhà sang cầu môn đối phương để cung cấp cho Rashford các lựa chọn.
Rashford, với sự trợ giúp của các âm thanh vọng ra từ băng ghế dự bị của MU (Solskjaer thừa nhận những cầu thủ dự bị đã hét lên "Chuyển đổi!"), quyết định chuyền bóng sang cho Greenwood bên cánh đối diện. Đó là một đường chuyền khó, nhưng Rashford thực hiện một cách xuất sắc.
Tóm lại, dưới đây là một vài yếu tố (có lẽ) giúp MU xuất sắc trong việc lội ngược dòng.
1. Sức xuyên phá mạnh mẽ đến từ các đợt phản công và bàn thắng thường đến ở giai đoạn chuyển trạng thái.
2. Sức mạnh này dường như được huấn luyện thông qua các tình huống và giao phó quyết định cho cầu thủ, thay vì thiết lập các thói quen được dàn dựng bài bản.
3. Phong cách tấn công này rất hiệu quả khi MU chơi trên sân khách, hoặc trước những đội cố gắng chủ động và để lộ ra khoảng trống phía sau hàng thủ của họ.
4. Khoảng trống cho các đợt phản công tăng lên khi đội bạn cố gắng tìm kiếm bàn thắng thứ hai hoặc thứ ba, bởi họ hiểu rằng một bàn thắng không chắc là đủ để đánh bại MU.
5. Khi các cầu thủ MU tấn công trong bối cảnh họ đang bị dẫn bàn, suy nghĩ của họ ít bị xáo trộn hơn vì mục tiêu lúc ấy là "dũng cảm hoặc vinh quang, hãy làm những gì bạn cần để có được bàn thắng kéo đội bóng trở lại".
Điều này có bền vững không? Có lẽ là không, nếu MU muốn chinh phục các danh hiệu. Trong khi Solskjaer hài lòng về khả năng ngược dòng của MU, một số lại cho rằng Solsa nên muốn Quỷ đỏ giành chiến thắng trong các trận đấu theo cách chủ động thay vì bị dẫn bàn.
Bằng mắt thường, chúng ta cũng sẽ thấy các hậu vệ của MU có xu hướng cầm bóng ít hơn khi đội nhà đang hòa hoặc thua. Có một điều hơi kỳ quặc là Quỷ đỏ phòng ngự "tốt hơn" khi họ bị dẫn bàn và có xu hướng phá bóng quyết đoán hơn. Nhìn chung, hàng thủ của MU ngày càng chắc chắn hơn trong khi hàng công của họ vẫn đầy mạnh mẽ.
Quay ngược lại thời gian, kể từ khi Solskjaer lên nắm quyền tại MU vào ngày 22.12.2018, chỉ có Liverpool kiếm được nhiều điểm hơn sau khi bị dẫn bàn trước hơn Man United. Giờ đây, 55% số điểm ấy đã được MU thu về ở nửa đầu mùa giải 2020/21, và Quỷ đỏ của hiện tại luôn có một nguồn sức mạnh bí ẩn nào đó để lật ngược thế cờ sau khi bị dẫn trước 1 bàn.
Theo Bongdaplus