Chuyển đổi số

Giải bài toán thiếu nhân lực số

NHẤT NGUYÊN 15/12/2023 06:00

Thiếu nhân lực phục vụ công cuộc chuyển đổi số đã trở thành chủ đề thảo luận khá sôi nổi trong các cuộc họp đánh giá nhiệm vụ cuối năm của các sở, ngành, địa phương ở tỉnh Hải Dương. Vậy cần làm gì để giải bài toán thiếu nhân lực số?

00:00

1chuyen-doi-so11111.jpg
Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương chỉ đạo rà soát, điều chỉnh tăng biên chế, vị trí việc làm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Ảnh: Thành Chung

Vừa thiếu vừa yếu

Nhiệm vụ chuyển đổi số nặng nề, thiếu nhân lực phụ trách nên nhiều nơi cán bộ kiêm nhiệm phải căng mình để thực hiện. Ông Vũ Thế Anh, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Ninh Giang phụ trách kiểm soát thủ tục hành chính và bộ phận "một cửa" huyện. Mặc dù không chuyên trách công nghệ thông tin như trước đây, nhưng mọi công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của huyện đều do ông Thế Anh thay mặt Văn phòng HĐND và UBND phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện thực hiện.

"Trong 20 xã, thị trấn của huyện Ninh Giang chỉ duy nhất xã Tân Quang có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nên tôi phải cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tất cả cán bộ ở bộ phận "một cửa" các xã, thị trấn còn lại giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tôi cũng hỗ trợ cài đặt, cấu hình các phần mềm ký số cho toàn bộ 76 trường từ tiểu học đến THCS trên địa bàn huyện. Quá nhiều việc nên hầu như ngày nào tôi cũng phải đi cơ sở", ông Thế Anh nói.

Công việc ở một xã mới sáp nhập vốn đã bộn bề nhưng ông Nguyễn Đức Ngôn, cán bộ văn hóa-xã hội, Trưởng Đài Truyền thanh xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) còn phải làm nhiều việc không tên. Ngoài quản trị trang thông tin điện tử xã, trang Zalo chính quyền xã, trang Fanpage Đài Truyền thanh xã, mỗi khi có hội nghị trực tuyến do tỉnh, huyện tổ chức, ông còn phải chuẩn bị máy tính, máy chiếu, đường truyền mạng để phục vụ hội nghị.

Theo thống kê mới nhất, trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã hiện chỉ có 74 cán bộ công nghệ thông tin, tập trung chủ yếu tại các Sở Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo và Văn phòng UBND tỉnh. Nhiều đơn vị cán bộ phải kiêm nhiệm và thường xuyên có sự thay đổi nhiệm vụ. Hầu hết các đoàn thể không có cán bộ chuyên trách lĩnh vực này.

canbokiemnhiem11.jpg
Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Ninh Giang Vũ Thế Anh hướng dẫn cán bộ bộ phận "một cửa" huyện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến

Không chỉ thiếu, chất lượng nhân lực công nghệ thông tin nhiều nơi còn hạn chế, họ mới chỉ đáp ứng nhiệm vụ quản trị mạng, cài đặt phần mềm, hệ thống máy tính, sửa chữa đơn giản. Chưa có khả năng nâng cấp, phát triển phần mềm, ứng dụng. Nhiều hệ thống thông tin tại các cơ quan, đơn vị hiện nay còn rời rạc, công nghệ lạc hậu, thiếu giải pháp bảo đảm an ninh mạng nên dễ bị tin tặc tấn công, phá hoại. Trong tháng 10 vừa qua, trang thông tin điện tử của 4 sở, ngành và địa phương ở Hải Dương bị tin tặc lợi dụng lỗ hổng bảo mật gắn link quảng cáo "bẩn". Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế bị tấn công nhiều ngày không truy cập được. Hay gần đây nhất là chuyện bảng điện tử LED tại các Trường Mầm non Cẩm Chế, THCS Cẩm Chế (Thanh Hà) đã bị kẻ xấu đột nhập, thay đổi nội dung hiển thị thành đăng nội dung quảng cáo game online rất phản cảm, không phù hợp môi trường giáo dục.

Quan tâm đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao

Để bù đắp nhân lực vừa thiếu vừa yếu, nhiều cơ quan, đơn vị đã sắp xếp vị trí việc làm, quan tâm tuyển dụng thêm nhân lực công nghệ thông tin nhưng vẫn khó tuyển vì nhiều lý do. Ông Vũ Thế Anh cho biết thêm: "Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin nhưng đa số chất lượng nhân lực yếu không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, còn người khá, giỏi thì họ không về đây làm vì lương quá thấp".

Hiện nay chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cao hơn so với công nghệ thông tin. Chuyển đổi số lấy người sử dụng, người dân làm trung tâm. Chuyển đổi số cũng chuyển trọng tâm từ người giỏi phần mềm sang người giỏi sử dụng, người dùng thông minh sẽ tạo ra phần mềm thông minh. Đây chính là giải pháp tình thế cho bài toán thiếu nhân lực giỏi công nghệ thông tin của tỉnh hiện nay. Thay vì đi tìm người giỏi viết phần mềm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cùng với đội ngũ của mình và những cán bộ công nghệ thông tin giàu kinh nghiệm sẽ tham mưu, đặt đầu bài cho các đối tác xây dựng phần mềm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Giải pháp thuê nhân lực của các công ty công nghệ để quản trị hệ thống mạng, máy tính của cơ quan, đơn vị vừa hiệu quả vừa có chi phí thấp hơn so với việc tuyển hẳn một lao động về làm công việc này. Ông Nguyễn Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn chia sẻ: "Do không có cán bộ chuyên trách nên mỗi khi máy tính, thiết bị văn phòng hỏng xã đều gọi thợ bên ngoài vào sửa chữa, khắc phục kịp thời".

Thuê dịch vụ công nghệ thông tin có sẵn trên thị trường cũng mang lại lợi ích "kép". Ngoài được sử dụng sản phẩm tốt, các đơn vị không phải lo người vận hành, bảo trì và nâng cấp phần mềm, bởi việc này do các đối tác cung cấp phần mềm đảm nhiệm.

Tuy nhiên, về lâu dài việc tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, quan tâm chế độ đãi ngộ cho họ vẫn là giải pháp tối ưu nhất. Trong thông báo kết luận tại cuộc họp ngày 14/11 vừa qua, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hải dương đã đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, nghiên cứu điều chỉnh tăng biên chế, vị trí việc làm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông để bảo đảm đủ nguồn nhân lực triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.

NHẤT NGUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán thiếu nhân lực số