Từ chỗ “không mảnh đất cắm dùi”, phải đón Tết lênh đênh trên sông nước, dân chài Xuân Đức đã được sum họp trong những ngôi nhà mới khang trang.
Cuộc sống mới đã đến với người dân chài Xuân Đức. Ảnh: TRUNG THÀNH
Trước kia, mỗi lần chuẩn bị họp thôn, đại diện thôn Xuân Đức phải mang loa ra sông gọi các hộ dân chài về. Có hộ đánh bắt cá ở xa, không về kịp. Việc vận động con, em dân chài đi học cũng vô cùng khó khăn. Xuân này đã khác, từ chỗ “không mảnh đất cắm dùi”, phải đón Tết lênh đênh trên sông nước, dân chài Xuân Đức đã được sum họp trong những ngôi nhà mới khang trang.
Hơn cả giấc mơCó về thôn Xuân Đức, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) vào những ngày giáp Tết mới thấy hết sự phấn khởi của người dân nơi đây. Cái làng “tí hon” với vẻn vẹn 77 hộ dân, 285 nhân khẩu nhưng đã bao đổi thay từ khi có Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn tiền sử dụng đất ở cho hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu, điểm tái định cư.
Nghĩ đến những cánh hoa đào, những cặp bánh chưng xanh trong ngôi nhà mới của mình, anh Đặng Ngọc Tụ xúc động: “Quyết định xây dựng khu tái định cư của Nhà nước giúp dân chài chúng tôi đổi đời. Đã được cấp đất miễn phí, lại còn được hỗ trợ 10 triệu đồng để xây nhà, dân chúng tôi mừng lắm. Hơn bốn chục năm sống cảnh lênh đênh sông nước, giờ được lên bờ tôi rất xúc động. Nếu không có Đảng, Nhà nước quan tâm thì có nằm mơ tôi cũng không nghĩ sẽ mua được đất ở trên bờ, chứ chẳng dám tính đến chuyện xây nhà. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên còn được hỗ trợ thêm 7 triệu đồng. Tết này, có nhà mới, cuộc sống của gia đình thay đổi hẳn”.
Ông Nguyễn Văn Tho rưng rưng: “Chẳng ai muốn sống mãi cảnh dân chài, giờ được lên bờ còn niềm vui nào hơn. Tôi năm nay đã 74 tuổi, tưởng sẽ chết cùng sông nước nhưng giờ đã khác, tôi đã có đất, có nhà. Tuy để xây được nhà, ngoài 10 triệu đồng tiền Nhà nước hỗ trợ, gia đình phải vay mượn thêm, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm ăn để cuộc sống tốt hơn”.
Ghi nhận sự thiết thực của việc xây dựng khu tái định cư, ông Đỗ Văn Tự, Trưởng thôn Xuân Đức cho biết: Việc miễn tiền sử dụng đất cho dân chài giúp chúng tôi thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Người dân hết sức phấn khởi và chính bản thân công việc trưởng thôn của tôi cũng đỡ vất vả hơn. Vì nhờ dự án này mà 44 hộ dân chài mới được lên bờ sinh sống cùng với 33 hộ dân đã định cư từ trước. Việc quản lý cũng như tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được dễ dàng hơn.
Không chỉ tạo điều kiện về nhà ở, dự án xây dựng khu tái định cư làng chài ở Xuân Đức còn hỗ trợ con, em các hộ dân chài học hành. “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, có 2 cháu nhỏ hiện đều đang được địa phương tạo điều kiện cho đi học. Mỗi cháu được miễn học phí và được hỗ trợ 70 nghìn đồng/tháng. Năm nay, ngoài việc con cái được học hành tử tế, lại còn được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang, gia đình tôi phấn khởi lắm”, chị Phạm Thị Nhàn chia sẻ.
Cho cuộc sống ấm noPhấn khởi là thế, nhưng để cho cuộc sống ngày càng ấm no, người dân Xuân Đức còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất là không có đất nông nghiệp để sản xuất. Tuy nhiên, niềm vui được lên bờ sinh sống dường như đã xóa tan mọi khó khăn và đang tạo động lực khác thường cho người dân nơi đây. Mỗi người một dự định khác nhau nhưng đều hướng tới sự ấm no.
Anh Đặng Ngọc Tụ chia sẻ: "Tuy không có đất nông nghiệp để sản xuất nhưng được cấp đất ở miễn phí là quý lắm rồi. 44 hộ dân chài chúng tôi sẽ tìm cách để có cuộc sống tốt hơn. Bản thân gia đình tôi khi đã có nhà trên bờ sẽ đi làm công nhân hay tham gia lao động tự do như mở cửa hàng sửa chữa xe máy, xe đạp... Như vậy, ngày cũng kiếm được những khoản tiền ổn định chứ không bấp bênh như đánh bắt cá dưới sông".
Gia đình anh Phùng Văn Toán lại có cách tính khác: "Có nhà ở trên bờ gia đình tôi sẽ yên tâm hơn để sống bằng nghề chuyên chở vật liệu xây dựng dưới sông. Các con của tôi sau khi học hành trưởng thành sẽ cho đi làm công nhân để ổn định cuộc sống", anh Toán nói. Anh cũng cho biết thêm, hầu hết các hộ có tàu đều tiếp tục làm nghề vận chuyển vật liệu xây dựng. Những hộ có thuyền, có hộ vẫn sống bằng nghề đánh bắt cá nhưng cũng có hộ bán thuyền để lên bờ lao động. Tất cả đều cảm thấy phấn khởi, an tâm và hạnh phúc khi có một mái nhà ở trên bờ để sum họp.
Để tiếp tục nâng cao đời sống của người dân, Xuân Đức tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM). Trưởng thôn Đỗ Văn Tự cho biết: Hệ thống đường ở Xuân Đức gần như đã được bê-tông hết, chỉ còn khoảng 70m là đường đá. Nhà văn hóa thôn cũng đã được xây dựng. Hiện tại, xã Đức Chính đã cấp cho thôn 1.600m2 đất để xây dựng sân vận động, sẽ hoàn thành trong năm 2012. Tất cả người dân được sử dụng điện sinh hoạt. Đường làng ngõ xóm đều có hệ thống đèn đường, đèn cao áp. Xuân Đức cũng đã được công nhận là làng văn hóa từ năm 2009. Việc hòa nhập những hộ tái định cư với những người dân định cư trước cũng không gặp trở ngại nào đáng kể. Người dân Xuân Đức rất đồng thuận đóng góp kinh phí xây dựng NTM. Xuân Đức đang cố gắng phấn đấu trở thành điểm sáng trong xây dựng NTM.
Ủng hộ quá trình xây dựng NTM ở Xuân Đức, ông Đặng Thế Nha, Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết: Ngoài việc cấp đất cho thôn Xuân Đức xây dựng sân vận động, xã sẽ hỗ trợ kinh phí để Xuân Đức hoàn thiện nốt 70 m đường bê-tông. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện tốt nhất để con, em người dân Xuân Đức được học hành, chăm sóc sức khỏe. So với các thôn khác trong xã, Xuân Đức có địa thế đẹp, có hệ thống tổ chức và cơ sở vật chất khá đồng bộ. Đối với 44 hộ dân chài mới được chuyển lên khu tái định cư, xã sẽ tạo điều kiện để họ có thể đi làm công nhân trong các khu công nghiệp hoặc lao động tự do trên bờ...
Làng chài Xuân Đức đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Thực tế ấy minh chứng cho một chủ trương đúng, một quyết định ý Đảng hợp lòng dân.
THÚY HÀ