Từ tích truyện dân gian “Thằng Bờm”, ê kíp sáng tạo của Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng vở diễn “Giấc mơ của Bờm” mang âm hưởng dân gian đương đại.
Cảnh trong vở “Giấc mơ của Bờm”. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ cung cấp
Musical show “Giấc mơ của Bờm”
Hướng tới Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 và mùa hè năm 2023, Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt tác phẩm “Giấc mơ của Bờm”. Mượn từ tích truyện dân gian “Thằng Bờm”, “Giấc mơ của Bờm” kể về cậu bé Bờm mồ côi cha - mẹ, gia cảnh nghèo khó nhưng ham học và có tấm lòng bao dung, lương thiện. Bờm thường giúp việc mọi người từ công đồng áng, chăn trâu, cắt cỏ… được bà con dân làng, nhất là nhóm bạn trẻ bao bọc, che chở, thương yêu. Lợi dụng hoàn cảnh của Bờm, vợ chồng lão phú ông, phú bà tìm mọi cách ăn chặn tiền công của cậu bé.
Một ngày, lão phú ông bày cách trộm trâu và đòi Bờm phải đền bằng việc trừ tiền công cả năm nếu Bờm không tìm được trâu. Cậu bé đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Lo sợ và mệt, Bờm thiếp đi. Trong giấc mơ, Bờm mơ thấy mẹ, được mẹ hát ru, yêu thương và chăm sóc như ngày thơ bé. Mẹ đưa cho Bờm chiếc quạt mo, mách Bờm cách tìm được trâu và dặn dò, muốn không bị ức hiếp thì phải có kiến thức, phải chăm học và sống lương thiện, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người.
Khi tỉnh dậy, Bờm không thấy mẹ đâu, chỉ thấy chiếc quạt mo mẹ đã dùng để quạt mát cho Bờm suốt thời thơ bé. Chiếc quạt cũng là kỷ vật duy nhất mẹ để lại cho Bờm, cũng nhờ nó, Bờm luôn cảm thấy có mẹ bên cạnh.
Mơ hồ về chiếc quạt thần kỳ của Bờm, lão phú ông tham lam và vợ đã tìm đủ mọi cách để có được chiếc quạt mo, với ý nghĩ nhờ quạt thần tìm ra kho báu. Bằng trí thông minh, Bờm và nhóm bạn đã khiến vợ chồng phú ông không thực hiện được âm mưu ăn chặn tiền và phải trả giá về sự tham lam của mình.
Cảnh trong vở “Giấc mơ của Bờm”. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ cung cấp
Kịch bản văn học “Giấc mơ của Bờm” của tác giả Thiên Ân, kịch bản nhạc kịch do nhạc sĩ Trần Lệ Chiến và nhạc sĩ An Hiếu thực hiện, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Ánh Tuyết đạo diễn, cùng với sự tham gia của ê-kíp dàn dựng chuyên nghiệp, các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả, nhất là các em thiếu nhi một vở diễn hấp dẫn trong mùa hè năm nay.
Đặc biệt, trong vở diễn, đạo diễn đã xây dựng thêm nhân vật “cô bói” để truyền tải thông điệp về lòng nhân nghĩa, đạo làm người và bài học cho kẻ tham lam thông qua những lời thoại và âm nhạc mang đậm màu sắc dân gian.
Thông qua vở diễn, ê-kíp thực hiện muốn gửi thông điệp: Chúng ta có được những gì tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay, phải ghi nhớ công ơn của người đã xây dựng, vun trồng, phải biết yêu thương chia sẻ bởi “Một hạt lúa vàng - chín hạt mồ hôi”.
Thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân tộc
Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, “Giấc mơ của Bờm” được Nhà hát thực hiện với mong muốn truyền tải những giá trị văn học cổ, truyền tải bức tranh dân gian đến cho khán giả trẻ, đặc biệt là các em thiếu nhi. Chính vì vậy, các nghệ sĩ của Nhà hát đã tích cực luyện tập và có nhiều sáng tạo đặc biệt trong âm nhạc để giúp vở diễn có nhiều âm thanh, hình ảnh khác nhau để kích thích sự tưởng tượng của trẻ…
Bằng nhiều hình thức sân khấu hấp dẫn cho các bé như: hát, nhảy múa, kịch nói... với nhiều màu sắc âm nhạc mang âm hưởng dân gian đương đại, “Giấc mơ của Bờm” đã vẽ nên một bức tranh của làng quê và được thể hiện một cách hài hước, nhân văn. Bên cạnh những điệu múa dân gian là sáng tạo trong động tác hình thể mang phong cách đương đại, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt từ vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người nông dân, mang lại sự phong phú và giàu cảm xúc nghệ thuật, tăng thêm sự lôi cuốn và giúp các em có thêm hiểu biết về đời sống ở làng quê.
Để chuyển tải nội dung cốt truyện đến với các em thiếu nhi một cách mạch lạc, hấp dẫn, ê-kíp thực hiện chương trình đã chọn lọc từ kho tàng ca dao, tục ngữ, hò vè… để có được những ca khúc mang đậm âm hưởng dân gian. Cách hòa âm, phối khí mang phong cách hiện đại, kết hợp cùng các trò chơi dân gian… trong vở diễn sẽ giúp các em nhỏ thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân tộc.
Cảnh trong vở “Giấc mơ của Bờm”. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ cung cấp
Nhà báo, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến - người viết kịch bản âm nhạc cho chia sẻ, vở diễn sử dụng nhiều ngôn ngữ âm nhạc khác nhau, từ hát nói đến dân gian đương đại, còn có cả múa võ… nên ê-kíp chọn “Giấc mơ của Bờm” là một musical show chứ không phải là nhạc kịch. Bởi nhạc kịch phải có aria, nếu đưa một vở nhạc kịch đến với các em sớm và nghiêm cẩn quá sẽ khiến các em khó tiếp cận. Trong khi đó, việc thực hiện vở diễn dưới hình thức musical show với nhiều ngôn ngữ âm nhạc sẽ giúp các em dễ tiếp cận hơn, từng bước nuôi dưỡng và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ về nghệ thuật, âm nhạc cho các em thiếu nhi.
Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Ánh Tuyết chia sẻ, bằng ngôn ngữ hiện đại về âm nhạc, ngôn ngữ hình thể thông qua các động tác múa, cùng với trang phục, bối cảnh… các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đã thể hiện vở diễn “Giấc mơ của Bờm” một cách gần gũi, đầy tính nhân văn, mang đến cho các em thiếu nhi món quà tinh thần hấp dẫn.
Có thể thấy, mặc dù tích truyện dân gian về “Thằng Bờm” đã trở nên rất quen thuộc với người dân Việt Nam nhiều thế hệ, nhưng thông qua sân khấu hóa, vở diễn “Giấc mơ của Bờm” đã mang đến các em nhỏ những bài học về sự trung thực, lòng vị tha, và ý chí phấn đấu, ham học hỏi và biết yêu thương chia sẻ với mọi người, không ỷ mạnh bắt nạt người yếu thế, không tham lam… đồng thời giúp các em nhỏ thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân gian Việt Nam.
Theo TTXVN