Giá xăng dầu tăng doanh nghiệp vận tải thêm khó

10/07/2021 11:25

Trong bối cảnh tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 như hiện nay, việc tăng giá xăng dầu được ví như “giọt nước làm tràn ly” khiến doanh nghiệp lao đao trước nhiều áp lực.


Mặc dù chỉ còn 5 xe buýt nội tỉnh hoạt động nhưng trung bình mỗi ngày Công ty TNHH Huy Hoàng phải bù lỗ từ 600.000 – 800.000 đồng

Khó khăn cộng dồn

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách hơn 15 năm qua nhưng chưa thời điểm nào Công ty TNHH Huy Hoàng ở thị trấn Gia Lộc lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Công ty TNHH Huy Hoàng đầu tư 26 xe vận tải hành khách, trong đó có 15 xe chạy liên tỉnh Hải Dương - Thái Bình và 11 xe buýt chạy nội tỉnh tuyến TP Hải Dương - Ninh Giang. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, công ty phải hoạt động cầm chừng, liên tục phải giảm công suất và lao động. Đầu năm 2020, công ty có hơn 70 lao động nhưng đến nay chỉ còn hơn 10 người. Từ cuối tháng 6 đến nay, các xe chạy tuyến Hải Dương - Thái Bình phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch theo quy định. Các xe chạy nội tỉnh chỉ hoạt động 50% công suất. Công ty liên tục phải bù lỗ, đặc biệt khi giá xăng dầu tăng mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Quản lý điều hành Công ty TNHH Huy Hoàng, riêng trong tháng 6.2021 công ty đã phải bù lỗ khoảng 100 triệu đồng do giá xăng dầu tăng cao. Hiện nay công ty chỉ có 5 xe buýt nội tỉnh hoạt động nhưng trung bình mỗi ngày doanh nghiệp đều phải bù lỗ từ  600.000 - 800.000 đồng. “Giá xăng dầu tăng mạnh, công ty không có cách nào bù được khoản chi phí đã tăng. Công ty đang rất khó khăn, thậm chí đã phải vay “nóng” tiền theo lãi ngày để trả nợ ngân hàng. Cứ tình trạng này, chúng tôi lo sợ sẽ không cầm cự được lâu. Công ty đang tính đến phương án bán xe để thu hồi vốn”, bà Phương buồn rầu nói.

Công ty CP Thương mại tổng hợp Hoàng Kim ở xã An Lâm (Nam Sách) có 20 xe chở container chuyên vận chuyển hàng nông sản cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng nhưng công ty không thể tăng giá vận chuyển bởi hợp đồng vận chuyển đã ký kết với khách hàng là hợp đồng cố định, giá trị không thể thay đổi. Vì vậy, nhiều tháng nay, mỗi ngày công ty phải bù lỗ từ 200.000 - 300.000 đồng/xe.

Hoạt động trong lĩnh vực logistic, Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật chi nhánh Hải Dương trong khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) có gần 30 đầu xe chở container. Đầu năm 2021, trung bình mỗi ngày công ty chạy 30 chuyến. Thời gian qua, một số khách hàng của công ty nằm trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên tần suất chạy của các xe bị giảm khoảng 20%. “Mặc dù chưa đến mức phải bù lỗ nhưng chúng tôi chấp nhận giảm lãi, bù lại phần chi phí nhiên liệu tăng lên. Nếu giá xăng dầu cứ tăng, lợi nhuận của công ty sẽ giảm liên tục, không có điều kiện để tái đầu tư”, anh Đào Văn Thiện, Trưởng chi nhánh Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật chi nhánh Hải Dương cho biết.


Giá xăng, dầu liên tục tăng nhưng Công ty CP Thương mại tổng hợp Hoàng Kim không thể tăng giá vận chuyển do đơn hàng theo hợp đồng cố định đã ký

Mong muốn hỗ trợ  

Theo các doanh nghiệp, khi giá xăng dầu tăng sẽ tạo ra tâm lý đẩy giá các loại nguyên vật liệu tăng theo, gây tác động gián tiếp đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Vì vậy, việc quản trị chi phí gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào biến động khó lường trước.

Ông Nguyễn Địch Dũng, Giám đốc Công ty CP Giao nhận và Kho vận Hải Dương cho biết giá xăng dầu tăng dẫn tới chi phí vận tải tăng từ 15 - 20%. Hiện nay, phí nâng hạ container tại các cảng ở Hải Phòng đã tăng từ 300.000 - 500.000 đồng/container (tăng 25 - 40% so với năm 2020). Thêm vào đó, sản xuất và thương mại toàn cầu cũng bị ảnh hưởng lớn, làm mất cân đối trong vận chuyển hàng hóa quốc tế, trong đó có vận chuyển hàng hóa bằng container. Điều này dẫn đến hệ quả là chi phí vận tải đường biển tăng gấp nhiều lần.

Ông Hoàng Kim Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thương mại tổng hợp Hoàng Kim nói: "Doanh nghiệp đang khó khăn chồng chất. Các doanh nghiệp nợ ngân hàng càng khó khăn hơn. Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng chưa đủ để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu, không để giá xăng dầu tăng hơn nữa". Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với Chính phủ có chính sách giảm lãi suất ngân hàng hơn nữa; miễn, giảm, kéo dài thời gian nộp thuế và tiền thuê đất…

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá xăng dầu tăng doanh nghiệp vận tải thêm khó