Trong khi các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động vốn, tốc độ tăng phi mã của giá vàng thời gian qua khiến dòng tiền đầu tư dịch chuyển. Điều này liệu có ảnh hưởng đến kênh huy động vốn của ngân hàng?
Giá vàng tăng ảnh hưởng không đáng kể đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng
Chốt phiên giao dịch đêm 4.8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 2.000 USD/ounce. Thời điểm 12 giờ ngày 5.8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức trên 2.022 USD/ounce, tăng khoảng 43 USD/ounce so với phiên giao dịch chiều 4.8. Động lực tăng trưởng của giá vàng được cho là do ảnh hưởng từ việc kỳ vọng Chính phủ và Quốc hội Mỹ sẽ sớm đạt thỏa thuận triển khai gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh tỷ giá đồng bạc xanh có xu hướng giảm.
Ảnh hưởng từ đà tăng giá vàng thế giới, giá vàng trong nước thời gian qua liên tục thiết lập kỷ lục. Thời điểm 12 giờ ngày 5.8, giá giao dịch vàng miếng SJC được Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Hải Hồng (TP Hải Dương) niêm yết ở mức 57,5 triệu đồng/lượng mua vào và 58,7 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cuối ngày 4.8. Giá mua và bán vàng nhẫn tròn 9999 được giao dịch lần lượt ở mức 54,4 triệu đồng/lượng và 55,3 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và khoảng 900.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày 4.8.
Mặc dù giá vàng tăng song lượng giao dịch không xuất hiện biến động. Anh Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Hải Hồng cho biết, lượng giao dịch mua bán vàng tại các cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tương đối ổn định, chưa phát sinh đột biến bất thường. "Vẫn có khách mua vàng nhưng khối lượng giao dịch nhỏ, chủ yếu từ 1-2 chỉ/giao dịch. Trong khi đó lượng khách đến bán vàng cũng không quá lớn với giá trị trên mỗi giao dịch dao động ở mức 50 triệu đồng", anh Công nói.
Là người thường xuyên theo dõi các thông tin về tài chính, anh Nguyễn Thế Lộc, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Dương cho rằng lượng giao dịch vàng tại Hải Dương ít biến động cơ bản phù hợp với tâm lý người tiêu dùng. Giá vàng tăng, liên tục lập đỉnh mới khiến tâm lý thị trường e ngại nguy cơ giảm giá đột ngột. "Nếu giá vàng lập mức đỉnh nhất định rồi quay về mốc 50 triệu đồng/lượng và có xu hướng tăng trở lại, khi đó lượng giao dịch sẽ phát sinh đột biến", anh Lộc cho biết.
Về phía ngân hàng, giá vàng tăng nhiều tuần qua ảnh hưởng không đáng kể đến nguồn vốn huy động. Ông Phạm Hải Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Thành Đông cho biết, những năm trước, khi vàng tăng giá, tình trạng khách hàng rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vàng tương đối rõ rệt, nhất là quanh thời điểm ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng giêng âm lịch). "Trong khi đó, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 năm nay khiến thu nhập sụt giảm, khách hàng không quá dư dả tài chính và hạn chế trong kiến thức về biến động thị trường vàng nên ít dồn tiền đầu tư dù giá vàng tăng. Theo đó ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của ngân hàng không đáng kể", ông Hà nói.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng dù tăng giá song chính nhà đầu tư vàng đang đối mặt nhiều rủi ro. Mức chênh lệch giữa giao dịch mua và bán vàng hiện được các đơn vị kinh doanh vàng bạc nới rộng, ở mức 1,23 triệu đồng/lượng thay vì 700.000-900.000 đồng/lượng trong nhiều phiên trước đó. Điều này nghĩa là người dân đầu tư tích trữ vàng chỉ có lãi khi giá vàng phiên sau tăng cao hơn biên độ mua-bán của phiên trước đó.
HÀ KIÊN