Tài chính - Ngân hàng

Giá USD tự do nóng trở lại, ngân hàng cũng bán vọt đỉnh cũ

TB (theo Tuổi trẻ) 17/03/2024 17:50

Đà tăng giá USD trên thị trường tự do tăng trở lại chỉ sau vài phiên hạ nhiệt. Trong khi giá bán đồng bạc xanh tại nhà băng vừa vượt cả mức cao nhất thiết lập năm 2022.

Giá USD nóng trở lại cả trên thị trường chính thức lẫn tự do - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giá USD nóng trở lại cả trên thị trường chính thức lẫn tự do

Trong phiên cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm 23.979 đồng. Với biên độ 5% so với tỉ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong phạm vi 22.780 - 25.177 đồng.

Các ngân hàng cũng đồng loạt nâng giá USD so với phiên trước. Như tại Vietcombank, nhà băng này đã tăng 20 đồng cả hai chiều mua bán, lên 24.520 - 24.890 đồng.

Với giá bán ra nêu trên, mỗi USD tại nhà băng này đã vượt mức đỉnh 24.888 đồng/USD từng thiết lập hồi tháng 10-2022.

BIDV cũng đang niêm yết mỗi USD hai chiều mua và bán lần lượt 24.570 - 24.880 đồng. Tỉ giá tại Eximbank cũng neo ở mức 24.490 - 24.880 đồng.

Giá bán USD ngân hàngGiá bán USD tự do
18/3/201923.26023.230
18/3/202023.37023.290
18/3/202123.17023.950
30/12/202122.92023.500
18/3/202223.00023.425
25/10/202224.88825.220
20/12/202223.73023.775
26/10/202324.76024.600
29/12/202324.42024.420
5/3/202424.85025.670
11/3/202424.79025.700
13/3/202424.82025.550
17/3/202424.89025.640

Trên thị trường tự do, sau vài ngày hạ nhiệt, giá USD tự do tại một số điểm thu mua ngoại tệ đến hôm nay 17/3 tiếp tục tăng 80 đồng ở hai chiều, lên mức 25.560 - 25.640 đồng.

Dù vẫn thấp hơn phiên lập đỉnh 25.700 đồng hôm 11/3, nhưng sức nóng trở lại trên thị trường tự do chỉ sau mấy phiên hạ nhiệt cũng dấy lên lo ngại.

Trước đó, việc phát hành tín phiếu hôm 11/3 được trông chờ là động thái quan trọng nhằm hạ nhiệt tỉ giá.

Đến ngày 15/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng gần 15.000 tỉ đồng, kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 1,4%/năm.

Lũy kế khối lượng hút ròng sau 5 phiên đạt 75.000 tỉ đồng.

Ông Trần Thăng Long - Giám đốc Trung tâm Phân tích nghiên cứu chứng khoán BIDV (BSC), cho biết phát hành tín phiếu trong ngắn hạn nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường, hạn chế hiện tượng đầu cơ ngoại tệ.

Còn trong dài hạn sẽ góp phần ổn định tỉ giá, lãi suất, thanh khoản... để phục vụ cho mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Ông nhắc lại việc phát hành tín phiếu năm ngoái, kể từ ngày 21/9 đến 8/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 194.649 tỉ đồng. Trong giai đoạn này, tỉ giá cũng giảm 0,29% và tiếp tục duy trì đà đi xuống đến cuối tháng 11/2023.

Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng mạnh hơn 2% trong giai đoạn 21/9 đến 25/10/2023, phản ứng với động thái hút tiền của SBV, tuy nhiên sau đó nhanh chóng giảm trở lại.

Tuy nhiên nhìn nhận tỉ giá trong bối cảnh mới năm nay, một chuyên gia tài chính khác băn khoăn, tín phiếu và công cụ trên thị trường liên ngân hàng liệu có khả năng chống đỡ hay không vẫn khó đoán định.

Bởi kinh tế năm 2023 tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng giảm làm tăng xuất siêu, tức là tăng nguồn cung USD.

Tuy nhiên sang năm 2024, dự báo các hoạt động kinh tế và tiêu dùng sẽ sôi động hơn, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng và khả năng xuất siêu giảm.

TB (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá USD tự do nóng trở lại, ngân hàng cũng bán vọt đỉnh cũ